Luật sư cho rằng, việc để các đăng kiểm viên bị khởi tố tiếp tục làm việc không có gì là trái luật. Ngược lại, còn thể hiện được sự minh bạch rõ ràng của pháp luật, phù hợp với hoạt động tình hình thiếu đăng kiểm hiện nay.
Thông tin từ Cục Đăng kiểm, tính đến 14h ngày 26/2, cả nước có 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao được cấp chứng nhận đăng kiểm viên. Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 1.500 đăng kiểm viên đang làm việc. Như vậy, toàn hệ thống kiểm định xe hiện nay đang thiếu 486 đăng kiểm viên, khi để duy trì hoạt động toàn hệ thống cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên.
Do thiếu đăng kiểm viên nên Cục Đăng kiểm huy động cả đăng kiểm viên bị khởi tố (nhưng được tại ngoại) làm việc tại các trung tâm đăng kiểm vì những đăng kiểm viên này chưa bị kết án, vẫn còn quyền công dân.
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, vậy huy động cán bộ đăng kiểm bị khởi tố đi làm có đúng luật không?
Để rộng đường dư luận, trả lời phỏng vấn, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật khẳng định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên họ phạm tội. Họ bị khởi tố, chỉ bị hạn chế một số quyền. Họ vẫn có các quyền của công dân, trong đó có quyền lao động”.
Luật sư trích dẫn, tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ qui định về xử lý kỷ luật viên chức, nêu: Các trường hợp chưa xem xét kỷ luật gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, viên chức đã bị khởi tố nhưng chưa có bản án vẫn chưa bị xem xét kỷ luật. Họ được phép tiếp tục công việc và hưởng lương cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Các đăng kiểm viên phần lớn làm việc với tư cách là viên chức, một số làm việc theo hợp đồng lao động. Pháp luật về lao động không điều chỉnh dừng hợp đồng lao động với trường hợp bị khởi tố nhưng không bị bắt tạm giam.
Điều 30 Bộ luật lao động hiện hành quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Theo đó, các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều 34 Bộ luật lao động cũng quy định, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động gồm: Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo, hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Người lao động bị tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm. Theo đó, khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
Luật sư Bình cho biết thêm, các biện pháp thay thế tạm giam được quy định tại các điều 121 (Bảo lĩnh), điều 122 (Đặt tiền để bảo đảm) và điều 123 (Cấm đi khỏi nơi cư trú). Theo đó, người bị áp dụng các biện pháp không phải tạm giam thì phải tuân thủ các quy định và thực hiện nghĩa vụ cụ thể của từng biện pháp mà cơ quan điều tra áp dụng đối với bị can.
“Đối chiếu các quy định của pháp luật vừa phân tích trên. Như vậy, việc một số nhân viên của Cục Đăng kiểm bị khởi tố bị can mà không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam thì việc họ vẫn đi làm là không vi phạm pháp luật”, Luật sư Bình phát biểu.
Cùng trao đổi về nội dung này, Luật sư Đặng Xuân Cường – Công ty luật Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Thành Phố Hà Nội) cho biết: Hiện nay các đăng kiểm viên mới chỉ bị khởi tố bị can và không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn hình sự là tạm giam, nên cần hiểu rằng các đăng kiểm viên chưa phải là người có tội theo quy định của pháp luật.
“Các đăng kiểm viên này vẫn có đầy đủ các quyền của một công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật trong đó có quyền được lao động”, Luật sư Cường nói.
Ở góc độ của đơn vị sử dụng lao động, khi chưa có bản án có hiệu lực của pháp luật tuyên các đăng kiểm viên này phạm tội thì đơn vị chủ quản cũng chưa có căn cứ để ra các quyết định xử lý kỷ luật đối với họ (ví dụ như cảnh cáo, hạ bậc lương, sa thải…) theo quy định của pháp luật liên quan như Bộ luật lao động, Luật Viên chức…
Do vậy, theo quan điểm của luật sư Cường, việc để các đăng kiểm viên tiếp tục làm việc không có gì là trái quy định của pháp luật. Trái lại còn thể hiện được sự minh bạch rõ ràng của pháp luật, phù hợp với hoạt động tình hình đăng kiểm hiện nay (thiếu đăng kiểm viên, hoạt động đăng kiểm bị gián đoạn…).
Tư Viễn