Việc đánh số nhà ở TP Hà Nội và TP HCM diễn ra không theo quy tắc, gây khó khăn cho người dân, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và phát triển đô thị
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Qua đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Công an nghiên cứu, xây dựng thống nhất giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, hướng dẫn UBND tỉnh, thành triển khai thực hiện.
Hoa mắt, chóng mặt
Nghị quyết trên được ban hành xuất phát từ thực tế nhiều người đã phải hoa mắt, chóng mặt với số nhà ở TP HCM và Hà Nội.
Ở Hà Nội, “ma trận” số nhà tồn tại trên rất nhiều tuyến phố như: Tam Trinh (quận Hoàng Mai), Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), đường Nguyễn Hoàng, đường Đặng Thùy Trâm (quận Cầu Giấy), Yên Lãng (quận Đống Đa)…
Chỉ dài chưa đầy 1 km nhưng tình trạng số nhà trùng lặp, số mới đè số cũ lộn xộn như đánh đố người tìm đường. Đơn cử, một nhà có số 38 nhưng lại có đến 4 căn sở hữu cùng số trên tuyến đường. Tình trạng này cũng tồn tại ở hàng loạt tuyến phố khác.
Tại TP HCM, sáng 10-10, chúng tôi có mặt tại hẻm 1806 Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè – nơi nổi tiếng với những số nhà nhiều xuyệt. Tại đây, chị Anh Thơ cho biết đã chuyển về sống ở số nhà 1806/127/2/6/15/27/5 được 10 năm. Trước đây nơi này là đất ruộng rồi quy hoạch thành đất ở, số nhà cũng được cấp sẵn, thời gian đầu chị không khỏi hoa mắt với những số nhà “siêu” xuyệt này. “Nếu có người thân đến thăm, tôi phải đứng ở đầu hẻm đón chứ họ không tài nào tìm được” – chị Anh Thơ nói.
Sống gần nhà chị Thơ, ông Võ Văn Minh cũng “ngợp” trước mê trận số nhà ở hẻm 1806. Theo ông Minh, năm 2015, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân rút gọn số nhà từ 7 xuống 4 số. Tuy nhiên, một số hộ dân chưa thay đổi nên còn rất nhiều nhà có 6 xuyệt. Chưa kể, nhiều xuyệt nhưng sắp xếp lộn xộn. “Khó khăn nhất là lúc làm hồ sơ, giấy tờ vì có nhiều xuyệt. Hơn 1 tháng nay, chúng tôi được chính quyền hỗ trợ sửa lại số nhà cho đỡ rối và dễ tìm kiếm hơn” – ông Minh kể.
Theo ghi nhận tại các đường như Song Hành (Quốc lộ 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12), Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh)… số nhà cũng xếp lộn xộn, tùy tiện. Căn nhà đang số hàng chục nhưng căn bên cạnh lại có số hàng trăm. Chưa kể, một số căn nhà mặt tiền cũng có xuyệt. Tại đường Lương Định Của, đoạn gần vòng xoay An Phú (phường An Phú, TP Thủ Đức), có 5 căn nhà cùng số 148. Cũng ở tuyến đường này, số chẵn, lẻ sắp xếp bất thường – cùng một bên đường nhưng nhà này số chẵn, nhà kia lại số lẻ hoặc cạnh nhau nhưng số cách xa nhau như đánh đố người muốn tìm nhà. Anh Trần Văn Lên (chạy xe giao hàng công nghệ) nhiều lần dở khóc dở cười vì chuyện số nhà hoặc xuyệt. Rất nhiều lần, anh phải nhờ người nhận gửi định vị để tìm đến chứ không còn cách nào để tìm được số nhà.
Căn nhà có 6 xuyệt ở hẻm 1806, đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè, TP HCM Ảnh: ANH VŨ
Lập tức khắc phục
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết cách đây 17 năm, Quy chế đánh số và gắn biển số nhà đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành kèm theo Quyết định 05/2006/QĐ-BXD ngày 8-3-2006. Quy chế này quy định rất chi tiết, được áp dụng tại khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn trong cả nước.
Theo quy chế, nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong hẻm, ngách như sau: nhà mặt đường và nhà trong hẻm, ngách được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…, n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7…), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8…). Về gắn biển số nhà tại đường, phố, hẻm, ngách, Bộ Xây dựng cho biết mỗi nhà mặt đường, nhà trong hẻm, ngách được gắn 1 biển số nhà. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, phố, hẻm, ngách khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa chính ở góc hai đường, phố, hẻm, ngách thì nhà đó được đánh số và gắn biển theo đường, phố, hẻm, ngách lớn hơn. Trường hợp nhà xây mới xen trên đất của khuôn viên nhà cũ thì đánh số nhà đó bằng tên ghép của số nhà cũ và một chữ cái in hoa của tiếng Việt.
“Quy chế quy định rất rõ trách nhiệm của UBND các cấp, từ tỉnh xuống tới xã, cũng như sở xây dựng trong việc thực hiện quy chế này, thậm chí quy định cấu tạo, quy cách, màu sắc của biển số nhà. Dù quy định, hướng dẫn đã có từ lâu nhưng việc đánh số nhà ở các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội diễn ra không theo quy tắc, gây khó khăn cho người dân” – đại diện Bộ Xây dựng đánh giá.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Minh, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết UBND thành phố đã phân cấp UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà theo địa bàn quản lý. Trước đây, khi mới thực hiện phân cấp, Sở Xây dựng nhận được nhiều văn bản của UBND cấp huyện đề nghị hướng dẫn, gỡ vướng việc này. Về việc này, Sở Xây dựng tiếp tục hướng dẫn các địa phương giải quyết bất cập, tạo thuận lợi cho người dân.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đầu tiên là cán bộ cấp số nhà thiếu tính kiên quyết trong cấp, đổi số. Ở TP HCM, tính bất cập trong số nhà chiếm số lượng khá lớn. Việc đổi số nhà cũng dính đến hàng loạt giấy tờ chứng từ, hộ khẩu của người dân trước đây. “Được giảm số lần xuyệt, số nhà có khoa học là chuyện người dân rất muốn nhưng cần tính toán kỹ để tránh phiền hà, xáo trộn cuộc sống người dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tìm ra phương án sắp xếp tốt nhất” – TS Nguyên nói.
Hạn chế thấp nhất phiền hà người dân
TP HCM đang tiến hành sắp xếp lại các khu phố, tổ dân phố cũng như những đơn vị hành chính. Việc này chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn nhất định, chủ yếu về mặt địa chỉ, có thể ít nhiều ảnh hưởng tới người dân. Trong buổi tiếp xúc cử tri quận 3 và quận Bình Thạnh ngày 3-10 của Tổ Đại biểu Quốc hội khóa XV – đơn vị số 2 TP HCM, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, lưu ý trong tiến trình sắp xếp khu phố và tổ dân phố, cần “hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đối với cuộc sống người dân”.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (TP HCM):
Cần có sự phối hợp chặt chẽ
Tình trạng số nhà nhiều xuyệt là một vấn đề nan giải đã kéo dài nhiều năm, nó không chỉ gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, an ninh trật tự và phát triển đô thị. Để giải quyết tình trạng số nhà nhiều xuyệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị tư vấn, cộng đồng và cá nhân; có quy hoạch số nhà khoa học, minh bạch và công bằng, dựa trên các tiêu chí như đường phố, khu phố, phường, quận, diện tích đất, vị trí nhà… Bên cạnh đó, cần có quy trình thay đổi số nhà rõ ràng, đơn giản và thuận tiện cho người dân; xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại và tranh chấp liên quan đến số nhà kịp thời, công khai và hiệu quả.
Nếu người dân muốn thay đổi số nhà, cần thực hiện theo các bước sau: làm đơn xin thay đổi số nhà gửi đến bộ phận một cửa của UBND cấp xã, phường. Kèm theo đơn xin thay đổi số nhà là bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà và đất hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà và đất theo quy định của pháp luật. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã, phường phải trả lời bằng văn bản cho người xin thay đổi số nhà về việc chấp thuận hay không chấp thuận yêu cầu và lý do.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TP HCM):
Bảo đảm ít nhất 2 yếu tố
Nhằm đánh số nhà theo quy tắc, không gây khó khăn cho người dân, cần bảo đảm ít nhất 2 yếu tố. Một là, cần một quy hoạch khoa học để thuận tiện cách đặt tên hẻm, đánh số nhà. Chính quyền có thể tham vấn ý kiến giới chuyên gia, các nhà quy hoạch đô thị về cách tổ chức hệ thống tên đường, số nhà một cách dễ nhớ, dễ tìm. Những hẻm nhiều ngách ngắn thì chọn cách đánh số kèm chữ A, B, C… sau mỗi số để tránh tăng thêm xuyệt. Với những hẻm ngoằn ngoèo thì nghiên cứu nhiều phương án để chọn tuyến đường gần nhất nhằm hạn chế độ dài của số nhà.
Hai là, việc đổi tên đường nên được tiến hành khi các thủ tục hành chính đã được số hóa nhằm tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ. Nhà quản lý cũng cần có bước thống kê toàn diện và đầy đủ quy mô ảnh hưởng của đề án.
A.Vũ ghi
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/go-roi-ma-tran-so-nha-20231010214952377.htm