(PLO)- Đại diện VKS cho rằng phần dân sự bị hủy trong vụ án hình sự phải do tòa hình sự thụ lý theo pháp luật tố tụng hình sự nhưng HĐXX cho rằng không cần thiết.
Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi tài sản, bồi thường thiệt hại và hủy quyết định cá biệt giữa nguyên đơn là các ông bà PHĐ, NTT, DTLH và bị đơn là Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ cùng hai cá nhân khác.
Đây là phiên tòa giải quyết lại phần dân sự bị Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy trong bản án hình sự trước đó.
Phần dân sự bị tuyên hủy
Theo bản án hình sự phúc thẩm năm 2014, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Lê Tuấn Kiệt ba năm tù, Đinh Hoàng Minh ba năm tù treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và hủy một phần bản án sơ thẩm về tội tham ô tài sản đối với bị cáo Kiệt để điều tra lại.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn tuyên hủy phần dân sự của bản án sơ thẩm về nội dung kiến nghị UBND quận Bình Thủy thu hồi, hủy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà HTTH hai căn nhà, để giao lại cho hai ông PHĐ và NTT, đồng thời “giao hồ sơ cho TAND TP Cần Thơ giải quyết lại nội dung này của vụ án theo thủ tục chung và theo quy định của pháp luật”.
Theo bản cáo trạng, vào năm 2010 hai ông PHĐ và NTT được vợ chồng NTKS cấn trừ nợ cho mỗi người một căn nhà tại quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ. Các bên đã làm hợp đồng chuyển nhượng tại phòng công chứng. Vào thời gian này, bản án dân sự phúc thẩm mà NTKS là bị đơn đã tuyên NTKS có trách nhiệm trả cho bà HTTH 4,7 tỉ đồng.
Trong quá trình THA, Ông Lê Tuấn Kiệt (khi đó là chi cục trưởng Chi cục THADS quận Bình Thủy) và Ông Đinh Hoàng Minh (chấp hành viên) đã không tuân thủ đúng các quy định như không kiểm tra giấy tờ liên quan chứng minh QSDĐ, ký công văn đề nghị cấp GCN QSDĐ cho bà HTTH hai căn nhà mà trước đó đã được NTKS chuyển nhượng cho hai ông PHĐ và NTT… gây thiệt hại cho hai ông này.
Vụ án trên đã gây ra nhiều quan điểm trái chiều, Tòa án và Viện kiểm sát có sự bất đồng quan điểm
Năm 2016 VKSND Tối cao chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án về TAND TP Cần Thơ để giải quyết phần dân sự của vụ án hình sự theo quyết định của bản án phúc thẩm. Quan điển của VKS cho rằng: trong suốt quá trình TTHS không tách phần dân sự để giải quyết riêng thì khi giải quyết lại phần dân sự bị hủy phải áp dụng pháp luật TTHS.
Đến năm 2017, các nguyên đơn nêu trên có đơn yêu cầu, đơn khởi kiện Chi cục THADS quận Bình Thủy, ông Kiệt, ông Minh để đòi lại tài sản là hai căn nhà, bồi thường thiệt hại và hủy quyết định cá biệt. Đến năm 2018, Tòa Dân sự TAND TP Cần Thơ thụ lý vụ án trên.
Khi vụ án được đưa ra xét xử mới đây, trong phần nêu ý kiến giải quyết vụ án, đại diện VKSND TP Cần Thơ cho rằng đây là phần dân sự trong vụ án hình sự nên phải áp dụng pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) để thụ lý giải quyết mới đúng.
Theo đại diện VKS, nguyên đơn khởi kiện xuất phát từ hành vi trái pháp luật của các ông Kiệt và Minh. Bản án phúc thẩm năm 2014 của TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy một phần nội dung bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự để giải quyết lại.
Đại diện VKS cho rằng trong suốt quá trình TTHS không tách phần dân sự ra để giải quyết riêng nên yêu cầu của nguyên đơn trong trường hợp này phải áp dụng pháp luật TTHS.
Năm 2020, VKSND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi tòa dân sự đề nghị chuyển hồ sơ cho tòa hình sự giải quyết. “Nay tiếp tục đề nghị HĐXX áp dụng pháp luật TTHS để giải quyết vụ án mới đúng” – đại diện VKS nói. Tuy nhiên, trong phần tuyên án, HĐXX cho rằng ý kiến của VKS là không cần thiết vì phần xử lý dân sự trong vụ án hình sự vẫn phải tuân theo Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vụ án đã được xét xử nhưng vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều về quan điểm áp dụng pháp luật tố tụng dân sự hay pháp luật tố tụng hình sự để xét xử phần dân sự có trong vụ án hình sự?
VKS nêu hướng dẫn của TAND Tối cao
Ngoài những lý lẽ trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, trong văn bản của VKSND TP Cần Thơ gửi Tòa Dân sự TAND TP Cần Thơ còn cho biết: Tại Công văn 121/2003 của TAND Tối cao có quy định đối với vụ án hình sự sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy phần dân sự để xét xử lại từ cấp sơ thẩm, khi nhận lại hồ sơ vụ án thì phải vào sổ thụ lý loại vụ án hình sự.
Tuy tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự nhưng chỉ xử về phần dân sự và để bảo đảm sự thống nhất trong các trường hợp, sự bình đẳng giữa các đương sự, mặc dù mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự nhưng được tiến hành như phiên tòa dân sự theo quy định của pháp luật TTHS.
NHẪN NAM
Nguồn: https://plo.vn/phan-dan-su-bi-huy-cua-ban-an-hinh-su-toa-nao-xu-post683762.html