Chuyên gia pháp lý cho biết, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường nộp 2.500 tỷ đồng thay cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện (CEO Công ty địa ốc Alibaba) cần phải được sự uỷ quyền của bị cáo.
Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Alibaba, do có hơn 100 đương sự gồm 15/23 bị cáo, 95 người bị hại, 2 người có quyền và nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (CEO Công ty địa ốc Alibaba) bị tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị phạt 30 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền.
Các bị cáo đồng phạm lần lượt bị tuyên phạt những mức án từ 3 năm tù (cho hưởng án treo) đến mức án 27 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, tòa cấp sơ thẩm buộc vợ chồng bị cáo Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bị hại hơn 2.400 tỷ đồng cho hơn 4.500 bị hại.
Bàn về vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của bị can, bị cáo gây ra, Luật sư Trần Văn Thiện (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết có trong một vụ án cụ thể, theo đó sẽ làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội khi lượng hình. Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Trong nhiều vụ án, bị cáo bị tạm giam không có điều kiện ở bên ngoài để thực hiện nghĩa vụ bồi thường nhưng đã có tác động đến người thân, thay bị cáo thực hiện nghĩa vụ này.
“Còn đối với riêng vụ án Alibaba, việc một người được cho là không có quan hệ thân thích lại đứng lên nhận bồi thường thay vợ chồng bị cáo Luyện số tiền lên tới 2.500 tỷ đồng là sự việc hy hữu trong lịch sử tố tụng”. Luật sư Thiện nói.
Tuy nhiên, điều này không phải là không có căn cứ. Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX cho biết quá trình giải quyết vụ án, ông Lê Viết An có đơn đề nghị thay vợ chồng bị cáo Luyện – Mai, khắc phục toàn bộ 2.500 tỷ đồng tiền thiệt hại.
Cùng trao đổi về nội dung này, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Việc thực hiện trách nhiệm bồi thường nộp tiền thay cho bị cáo cần phải được sự uỷ quyền của bị cáo. Theo đó, người này và bị cáo cần phải làm hợp đồng uỷ quyền với nhau, căn cứ tại Điều 562 Bộ luận Dân sự 2015 về hợp đồng uỷ quyền để thực hiện trách nhiệm nộp tiền thay cho bị cáo.
Để đảm bảo quyền lợi cho người khắc phục thay thì trong trường hợp người này và bị cáo đạt được thỏa thuận, cả hai bên có thể cam kết với nhau bằng hợp đồng. Sau khi người này thay bị cáo thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và sau đó tài sản bị kê biên để thi hành án được gỡ bỏ lệnh kê biên thì lúc đó bị cáo và người này tiến hành mua bán tài sản như mọi giao dịch khác.
Tuy nhiên, Luật sư Bình chũng cho biết, để đảm bảo quyền lợi của người thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay cho bị cáo, HĐXX dù không công nhận việc mua bán tài sản nhưng có thể ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và người này vào bản án để làm cơ sở cho việc thực hiện thỏa thuận đó khi tài sản đã được gỡ lệnh kê biên.
“Việc kê biên tài sản của bị cáo là để đảm bảo trách nhiệm bồi thường của bị cáo đối với các bị hại. Việc một cá nhân bỏ 2.500 tỷ đồng ra khắc phục trước, giúp bị cáo được xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ chứ không được xem là để mua lại tài sản bị kê biên”, Luật sư Bình phát biểu.
Theo Luật sư Bình, trường hợp này, người khắc phục thay và bị cáo có thể thỏa thuận dân sự riêng với nhau. Sau khi người này dùng tiền của mình thay bị cáo thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ bồi thường thì các tài sản sẽ được trả lại cho bị cáo. Từ đó, người này và bị cáo có thể thực hiện thủ tục thay đổi chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tư Viễn