Căn cứ phân biệt đất khai hoang và đất lấn chiếm thế nào?

Đất khai hoang và đất lấn chiếm không phải là một trong các loại đất theo phân loại của Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong thực tế loại đất này lại khá phổ biến. Vậy phân biệt đất khai hoang và đất lấn chiếm thế nào?

  1. Căn cứ phân biệt đất khai hoang và đất lấn chiếm

Để phân biệt đất khai hoang và đất lấn chiếm, cần hiểu rõ đất khai hoang là gì và đất lấn chiếm là gì? Trong đó:

  1. Đất khai hoang:

Luật Đất đai hiện hành không có quy định giải thích cụ thể về đất khai hoang. Thuật ngữ này được nhắc đến từ trước ngày 27/11/2017 tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 52/2014/TT-BNNPTNT (đã hết hiệu lực từ 27/11/2017) , theo đó:

Đất khai hoang: Là đất đang để hoang hóa, đất khác đã quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”.

Hiện nay thuật ngữ này vẫn được nhắc đến thường xuyên trong thực tiễn sử dụng đất như tên gọi phổ biến của đất đang để hoang hóa, đất khác mà thời điểm sử dụng đất trên thực địa không thuộc quyền sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác.

Theo đó, việc sử dụng đất khai hoang là sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật.

  1. Đất lấn chiếm:

So với đất khai hoang, đất lấn chiếm được quy định tương đối rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về lấn đất, chiếm đất như sau:

– Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

– Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp:

  • Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.
  • Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.
  • Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).

Từ các quy định trên, có thể hiểu đất lấn chiếm là đất được hình thành từ hành vi lấn đất, chiếm đất của các cá nhân, tổ chức.

Như vậy, có thể thấy, đất khai hoang và đất lấn chiếm khác nhau chủ yếu ở nguồn gốc hình thành đất. Theo đó, đất khai hoang là đất chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng đã sử dụng trên thực tế.

Trong khi đó, đất lấn chiếm là đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho một cá nhân, tổ chức nhưng bị người khác sử dụng khi chưa được sự cho phép của cơ quan Nhà nước hay sự đồng ý của chủ quyền sử dụng đất.

  1. Đất khai hoang và đất lấn chiếm có được cấp Sổ đỏ không?

Khi nhắc đến đất khai hoang và đất lấn chiếm, điều mà hầu hết người sử dụng đất quan tâm là đất này có được cấp Sổ đỏ hay không.

  1. Đối với đất khai hoang:

Đất khai hoang phần lớn là đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, loại đất này vẫn nếu đủ điều kiện vẫn có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013, hướng dẫn bởi các Điều 20, 21, 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và thuộc các trường hợp:

– Trường hợp 1: Hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất nếu đáp ứng các điều kiện:

  • Đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
  • Có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

– Trường hợp 2: Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) và không vi phạm pháp luật đất đai.

Ngoài ra, trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

  1. Đối với đất lấn chiếm:

Tùy từng trường hợp cụ thể, đất lấn chiếm có thể được cấp Giấy chứng nhận hoặc bị thu hồi. Trong đó, các trường hợp đất lấn chiếm được cấp Giấy chứng nhận gồm:

– Sử dụng đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng trong trường hợp sử dụng đất ổn định và không có Ban quản lý rừng.

– Trường hợp lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận.

– Được xem xét cấp Giấy chứng nhận nếu đang sử dụng đất lấn, chiếm là đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép nhưng đất này không thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và đã sử dụng ổn định, lâu dài.

 

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898