Dùng hình ảnh bác sĩ, giáo sư nổi tiếng để lừa bán thực phẩm chức năng
Mặc dù Luật An toàn thực phẩm quy định: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. “Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe”… nhưng nhiều đơn vị vẫn bất chấp luật pháp ngang nhiên mạo danh bác sĩ, thậm chí dùng hình ảnh giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng để lừa người tiêu dùng bán thực phẩm chức năng.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, video quảng cáo thực phẩm chức năng đã mạo danh bác sĩ, giáo sư, phó giáo sư nổi tiếng khiến không ít người dân sẽ tin theo mà không đến cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời. Bệnh nhân sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị tốt nhất, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.
Cụ thể, trên trang https://nguyen-lan.shop/?, đã ngang nhiên lấy hình ảnh GS.TS Nguyễn Lân Việt để quảng cáo cho sản phẩm Hypercare. Theo như nội dung tại website này, người giới thiệu về sản phẩm là GS.TS Đào Thiện Hải – Bác sĩ Tim mạch nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam, tuy nhiên hình ảnh sử dụng quảng cáo lại là GS.TS Nguyễn Lân Việt.
Đồng thời, sản phẩm Hypercare này được quảng cáo có tác dụng làm sạch mạch máu, ổn định huyết áp, giảm cholesterol, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, huyết khối. Hỗ trợ làm sạch mạch máu cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
Hình ảnh GS.TS Nguyễn Lân Việt được sử dụng trong bài phỏng vấn GS.TS Đào Thiện Hải giới thiệu về sản phẩm Hypercare. |
Nhằm tạo lòng tin cho người sử dụng, trên website này ngoài việc sử dụng hình ảnh, chức danh giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng, còn đăng tải những nội dung như: “Bất kỳ ai cũng có thể tự làm sạch mạch máu tại nhà để nâng cao sức khỏe” hay “Phương pháp làm sạch mạch máu mà tôi nhắc đến ở trên là sử dụng một sản phẩm mới là Hypercare.
Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất sản phẩm này đáp ứng được nhiệm vụ làm sạch mạch máu. Hypercare được phát triển từ năm 2015 bởi Viện Tim mạch Quốc gia. Trong sản phẩm này có chứa khoảng 40 thành phần hoạt tính được chiết xuất từ thiên nhiên rất tốt cho hệ thống mạch máu trong cơ thể”.
Hình ảnh PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng được dùng để quảng cáo cho sản phẩm Hypercare. Nội dung ngôn từ quảng cáo giống hệt website này, chỉ thay hình ảnh của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu thành GS.TS Nguyễn Lân Việt để quảng cáo.
Hình ảnh của PGS Nguyễn Lân Hiếu bị sử dụng trái phép để quảng cáo. |
Đặc biệt, trên website https://www.hypercare.vn/? Còn dùng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm và giới thiệu sản phẩm Hypercare là thuốc, mặc dù Hypercare là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Mặc dù Hypercare chỉ là thực phẩm chức năng, nhưng trên website https://www.hypercare.vn/? Được giáo sư y khoa, bác sĩ tim mạch khẳng định: “Đây là một loại thuốc thực sự mới”. |
Những hệ lụy khôn lường từ việc dùng hình ảnh bác sĩ quảng cáo, bán thực phẩm chức năng
Trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ: Tôi cũng không hề liên quan đến bài viết và sản phẩm Hypercare này.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng khẳng định: “Chúng tôi – những bác sĩ chuyên khoa tim mạch không bao giờ quảng cáo cho các thuốc chữa dứt điểm bệnh tăng huyết áp vô căn”.
Thực tế cho thấy, việc mạo danh là bác sĩ nổi tiếng, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc không chỉ vi phạm Luật An toàn thực phẩm, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của người bị mạo danh, lấy hình ảnh. Nghiêm trọng hơn nữa là việc dùng hình ảnh, video quảng cáo thực phẩm chức năng đã mạo danh bác sĩ, giáo sư, phó giáo sư nổi tiếng khiến không ít người dân sẽ tin theo mà không đến cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời. Bệnh nhân sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị tốt nhất, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.
Trước sự việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Đối với hành vi sử dụng tên tuổi của giáo sư, bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định:” Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Ngoài ra, tại Điều 52 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt hành chính (mức phạt từ 5.000.000 lên đến đến 30.000.000 đồng theo quy định) trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại sử dụng thông tin hình ảnh của giáo sư, bác sĩ mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Các trường hợp hành vi quảng cáo gian dối vi phạm luật quảng cáo đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào mạo danh bác sĩ để bán thuốc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tù chung thân, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Đặc biệt, đối với trường hợp mạo danh bác sĩ và lấy danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.