Cuộc chia tay nào trong hôn nhân trẻ cũng là người nhận hậu quả nặng nề. Với những cuộc ly hôn ồn ào, căng thẳng trẻ càng bất hạnh hơn khi phải chứng kiến cuộc chiến giành quyền nuôi con từ người lớn.
Chia sẻ câu chuyện với Gia đình Việt Nam, chị Thanh Hương, sinh 1978, (21B (số mới 413) đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, hôn nhân của chị không may mắn như những người khác khi sớm “đứt gánh giữa đường”.
Chị Hương kể, chị và anh L.H.T lấy nhau và sinh được con trai vào năm 2009. 5 năm sau con gái ra đời vào năm 2014.
Cuộc sống hôn nhân chưa dài, gia đình lại đủ cả nếp cả tẻ những tưởng sẽ yên ấm, hạnh phúc nhưng không ngờ những cơn sóng ngầm đã phá hoại cuộc hôn nhân của chị. Tháng 09/2020 do những mâu thuẫn không thể giải quyết được, anh chị đã quyết định ly hôn.
Theo hồ sơ chị Hương cung cấp, chị và chồng cũ đã trải qua 3 cấp tòa án và thuận tình ly hôn theo bản án sơ thẩm số 511/2020/HNGĐ-ST ngày 29/09/2020 của Toà án Nhân dân Quận 1-TP.HCM, bản án Phúc thẩm số 469/2021/HNGĐ-PT ngày 17/05/2021 của Toà án Nhân dân TP.HCM và cuối cùng là Giám đốc thẩm số 17/2022/HNGĐ-GĐT ngày 05/9/2022 của Toà án Cấp cao tại TP.HCM.
Sở dĩ việc ly hôn của chị phải kéo dài đến 3 cấp xét xử là do cả 03 phiên tòa chị Hương đều không nhận được quyền nuôi con dù chỉ là 1 trong 2 người con của mình dù chị có thừa điều kiện chăm sóc con chu đáo.
Đáng chú ý, theo lời kể của chị Hương, sau phiên xử phúc thẩm ngày 17/5/2021, mặc dù Tòa chưa gửi bản án và án chưa có quyết định thi hành nhưng chồng cũ của chị đã dẫn 2 con sang quận 2, TP. HCM thuê khách sạn ở. Tới ngày 28/5/2021 chồng chị đã đưa hai con xuất cảnh về Mỹ, cắt đứt toàn bộ liên hệ với chị Hương.
Lần hiếm hoi chị Hương được gặp các con ở Mỹ trong chốc lát sau khi phải bay “Nửa vòng trái đất” (Ảnh: NVCC)
Để thực hiện nhu cầu cơ bản là thăm nom, chăm sóc con theo quyết định của bản án Phúc thẩm ngày 17/5/2021, chị Hương đã phải lặn lội sang Mỹ để tìm 2 con. Sau bao ngày tìm kiếm, có được địa chỉ trường nơi con đang học, niềm vui được gặp con chưa kịp đến thì chị đã bị chồng cũ từ chối cho gặp. Năn nỉ mãi và phải thông qua luật sư của chồng cũ, chị Hương mới được phép gặp các con trong 02 giờ đồng hồ tại Trung tâm Thăm trẻ 123 Child Visitation Center (964 Fifth Avenue #300, San Diego, CA 92101).
Chị Hương nhớ lại: “Khi gặp con, ôm 2 bé vào lòng thì 2 cháu gượng gạo không dám ôm mẹ. Sau khi vào phòng, người giám sát dặn tôi một loạt luật l: phải nói tiếng Anh, phải nói to, nếu nghe tiếng trẻ khóc hoặc không hài lòng thì sẽ buộc tôi rời đi ngay lập tức, tôi chỉ còn 1 tiếng để gặp con.Tôi có cảm giác bị đối xử như tội phạm, không được nói tiếng Việt, không được hỏi con đang học ở đâu, con không được mở khẩu trang. Sau 1 tiếng thăm con ngắn ngủi ngày 5/5/2022 đó, tôi báo cho luật sư của chồng cũ là hôm sau muốn đưa hai con đi ăn tối sau giờ học, thì được trả lời nếu muốn gặp thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Tôi tiếp tục xin hẹn vào ngày 8/5 nhưng bị từ chối. Ngày 8/5/2022, tôi gọi facetime cho 2 cháu nói chuyện được vài câu thì bị cúp máy. Vài ngày sau gọi facetime với 2 con được thêm 1 lần chỉ khoảng 5 phút. Các con chỉ nói tiếng Anh và trả lời không với hầu hết những gì tôi nói”.
Trở lại với bản án Giám đốc thẩm ngày 5/9/2022 thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định vẫn giữ nguyên bản án Phúc thẩm số 469/2021/HNGĐ-PT ngày 17/05/2021 của Toà án Nhân dân TP.HCM.
Chị Hương cho rằng: “Nếu giao hai con cho cha các cháu nuôi thì việc đi lại thăm, chăm sóc con quá khốn khổ, trở ngại.
Con gái tôi hiện nay 8 tuổi sắp dậy thì, người cha làm sao tư vấn cho con những thắc mắc về tâm sinh lý. Con trai tôi hiện nay 13 tuổi sắp đến tuổi thay đổi tâm lý, rất dễ chệch hướng sai đường. Trong khi cha các cháu đang làm sếp lớn của một hãng bảo hiểm, suốt ngày vắng nhà, vậy đâu có thời gian theo sát mà hướng dẫn, kèm cặp, uốn nắn con được”.
Xét thấy con đang vào độ tuổi cần đến mẹ nhất, với tấm lòng của một người mẹ chị Hương không muốn con mò mẫm một mình trong những thứ đầu đời nên chị đã gửi đơn đến các cơ quan ngôn luận, đệ đơn lên Tòa án Nhân dân Tối cao, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số cơ quan chính quyền khác.
“Với tấm lòng của một người mẹ tôi mong các cấp xem xét đến quyền nuôi con để tôi được ở bên các con khi các con cần tôi nhất”, chị Hương tha thiết bày tỏ.
Luật sư Diệp Năng Bình
Liên quan sự việc của chị Thanh Hương, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Sau khi ly hôn, quyết định giao con cho vợ hoặc chồng nuôi dưỡng cần phải dựa trên tổng thể sao cho tốt nhất về sự phát triển của trẻ. Theo đó cần phải căn cứ vào các điều kiện cụ thể như:
Thứ nhất, về điều kiện vật chất. Hiện nay các quy định của pháp luật không hề có quy định căn cứ nào cho thấy một trong các bên giàu có hơn thì sẽ được quyền nuôi con.
Điều kiện vật chất ở đây được xét dựa trên sự đảm bảo về điều kiện nuôi dưỡng con. Theo đó, người trực tiếp nuôi dưỡng chỉ cần đảm bảo về điều kiện vật chất tốt nhất, có đủ tài chính để đáp ứng tối thiểu các nhu cầu trong cuộc sống của con như: ăn ở, học tập, vui chơi giải trí…
Điều kiện kinh tế của chị Hương (trong đơn thư) là hoàn toàn đáp ứng tốt cho các nhu cầu này của con, khi mà về tài sản, thu nhập… của chị so với mức chung trong nước là cao. Từ thu nhập, tài sản này thì chị có thể cho con đi học ở môi trường tốt để đảm bảo sự phát triển về trí tuệ một cách bình thường của các con. Về chỗ ở, chị đã có chỗ ở ổn định đảm bảo cho các con sống thoải mái.
Thứ hai, về điều kiện tinh thần. Người mẹ và người chăm sóc chính khi con chào đời, đây là mối nối cảm xúc cũng như sự gắn bó đầu đời của trẻ. Việc này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách con cư xử với những người xung quanh và thể hiện cảm xúc, đặc biệt là trong những năm sau này.
Chị Hương có quỹ thời gian dành cho các con nhiều hơn ông L.H.T. Với tính chất công việc của ông L.H.T là Tổng giám đốc công ty bảo hiểm rất bận rộn sẽ không đảm bảo được nhiều thời gian chăm sóc cho các con.
Hơn nữa, các trẻ đều bước vào giai đoạn dậy thì, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sự phát triển nên lại càng cần dành nhiều thời gian chăm sóc, nhất là đối với bé gái.
Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì chị Hương hoàn toàn đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của các con. Hơn nữa tại các cấp tòa án, trong quá trình giải quyết bé gái gần đủ 7 tuồi mà không lấy ý kiến của trẻ là chưa cân nhắc, thu thập, đánh giá toàn diện các chứng cứ.
Tòa án các cấp xét xử khi quyết định giao hai trẻ cho ông L.H.T nuôi dưỡng chỉ dựa trên điều kiện về kinh tế giữa hai vợ chồng là chưa hợp lý. Điều quan trọng hơn, sau khi ly hôn ông L.H.T dẫn các con qua Mỹ định cư, sẽ ảnh hưởng đến việc thăm nom, chăm sóc con chung của chị Hương…”
Nhiều tháng trôi qua chị Hương không nguôi nỗi nhớ thương con. Chị chưa bao giờ dám nghĩ 2 đứa con chị dứt ruột đẻ ra mà nay muốn nói chuyện với con cũng trở nên khó khăn đến vậy nói gì đến việc được ở bên chăm sóc các cháu hàng ngày
Đáng thương nhất là hai đứa trẻ. Cha mẹ ly hôn đã là thiệt thòi lớn trong cuộc đời các con, giờ với việc không thể được ở bên, chia sẻ cùng mẹ lại là một thiệt thòi lớn hơn. Chưa kể tuổi thơ của các cháu vốn đã thiếu thốn tình mẫu tử nay sự chia cắt xem ra lại chưa hẹn ngày bên nhau.
Tương lai các cháu rồi sẽ ra sao khi sự chia lìa đó lại được gây ra bởi chính bố mẹ chúng? Vết thương lòng con trẻ bao giờ mới có thể lành lại?
Đông Hường
Nguồn:https://giadinhonline.vn/nguoi-me-va-hanh-trinh-tim-lai-quyen-nuoi-con-d186100.html