Luật sư cho rằng người tiêu dùng cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản để bảo vệ mình khi thực hiện các giao dịch mua bán hàng qua mạng để tránh bị lừa đảo.
Trả lời VTC News về biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm qua mạng, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho rằng, giải pháp tối ưu nhất là chính người tiêu dùng phải chủ động trang bị mọi kiến thức để nắm được lợi thế nếu những tranh chấp tiêu cực phát sinh.
Cụ thể như cần tìm hiểu thông tin sản phẩm và nơi cung cấp sản phẩm uy tín, yêu cầu kiểm hàng trước khi thanh toán để kiểm tra chất lượng sản phẩm mà mình mua thay vì thanh toán online, kịp thời phản hồi với nhà cung cấp khi sản phẩm không đạt yêu cầu.
Sau đó là tìm hiểu về các quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi vi phạm trong việc mua bán hàng qua mạng để kịp thời phản ánh lên cơ quan chức năng có thẩm quyền đòi lại quyền lợi cho mình. Người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn khi mua hàng online, vậy nên hãy tìm cho mình một lựa chọn thông thái nhất.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, có 5 cách người tiêu dùng cần lưu ý để tránh bị lừa đảo khi mua hàng online.
Đó là người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn nhà cung cấp hoặc trang thương mại điện tử có uy tín để giao dịch. Bởi vì trước khi được phép đưa sản phẩm lên sàn giao dịch, nhà cung cấp đã phải làm việc với sàn giao dịch về những vấn đề chất lượng sản phẩm, chính sách giảm giá, phương thức vận chuyển…
Thứ hai là tìm hiểu kỹ thông tin, người bán phải cung cấp đủ thông tin về giá cả, bảo hành, mô tả sản phẩm, địa chỉ trực tiếp, chính sách đổi trả, hoàn tiền…cho người mua. Để đảm bảo quyền lợi của chính mình, người tiêu dùng hãy chắc chắn là đã nắm rõ tất cả những thông tin này trước khi thực hiện một giao dịch trực tuyến.
Thứ ba là tìm hiểu thêm về thông tin sản phẩm, hãy tham khảo về giá cả sản phẩm mà mình mua trên nhiều các trang bán hàng khác nhau, tìm hiểu về những phản hồi của khách hàng đã mua sản phẩm ở phần bình luận, đừng ham giá rẻ và những chiêu trò khuyến mãi từ những trang bán hàng kém uy tín.
Thứ tư là cẩn thận khi thanh toán:, về nguyên tắc, mua bán trực tuyến là phải thanh toán trực tuyến, thông qua tài khoản ảo trực tuyến hoặc thẻ tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bên cạnh thanh toán trực tuyến còn có hình thức thanh toán khi nhận hàng. Nhiều nhà cung cấp cho phép bạn trả tiền khi đã kiểm tra hàng hóa có đúng như mình mong muốn hay không. Tuy nhiên, số này không nhiều.
Cuối cùng là cần giữ lại hóa đơn khi đã nhận hàng. Đây sẽ là bằng chứng để bảo đảm quyền lợi cũng như để giải quyết trong các trường hợp bảo hành, đổi trả, hoàn tiền…
Bên cạnh đó, ngoài việc người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức cơ bản, luật pháp cũng cần có những chế tài mới để đảm bảo triệt để quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.
“Theo tôi, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, cũng như tăng cường giám sát, kiểm tra, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra cần phải tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về pháp luật để phổ biến cho người dân những kiến thức cần có để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia vào việc mua bán hàng online“, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Hành vi lừa đảo qua bán hàng online bị xử lý thế nào?
Có thể thấy trên thực tế, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng này là tình trạng lừa đảo xảy ra tràn lan, ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều người lại đang chọn cách bỏ qua, không lên tiếng khiếu nại, khiếu kiện để tránh mất thời gian hoặc chịu những phiền toái vì liên đới.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, hiện nay tình trạng lừa đảo thông qua việc mua bán hàng online xảy ra theo nhiều hình thức như: Quảng cáo hàng giá rẻ, yêu cầu người mua phải đặt cọc trước nhưng không giao hàng, giao hàng không đạt chất lượng và chiếm đoạt tiền đặc cọc… Đây đều là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144-2021/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Tùy theo số tiền lừa đảo mà các hành vi lừa đảo này phải chịu trách nhiệm tương ứng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì số tiền bị chiếm đoạt có giá trị càng lớn, thì người phạm tội sẽ càng phải chịu những hình phạt nghiêm khắc hơn. Nếu số tiền bị chiếm đoạt là dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; còn từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; và từ 500 triệu đồng trở lên thì mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, ngoài giá trị số tiền chiếm đoạt thì còn có nhiều tình tiết khác (có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt…) cũng được quy định là các tình tiết tăng nặng, là căn cứ để xác định khung hình phạt cho người phạm tội. Đặc biệt, tại điểm c khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự có quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” là tình tiết định khung tăng nặng, với mức hình phạt áp dụng là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Có trường hợp, người tiêu dùng đặt mua sản phẩm chất lượng, tương ứng với số tiền bỏ ra, nhưng khi nhận về thì sản phẩm không đúng ý (hàng rởm) thì theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì người tiêu dùng có quyền “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
THÀNH LÂM