Những trường hợp đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đóng bảo hiểm y tế có được không?
Thực tế hiện nay có một số được cấp thẻ bảo hiểm y tế trước khi đi làm. Vậy sau khi đi làm họ chỉ đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng bảo hiểm y tế có được không?
Mục lục bài viết:
- Trường hợp nào phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế?
- Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được không?
- Đóng bảo hiểm y tế theo diện doanh nghiệp, mức hưởng thế nào?
1. Trường hợp nào phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế?
Theo quy định hiện hành, người lao động đi làm tại doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau:
+ Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội:
Theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, những người lao động sau đây phải đóng bảo hiểm xã hội khi đi làm bao gồm:
– Người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
– Người lao động Việt Nam làm công việc quản lý doanh nghiệp mà có hưởng tiền lương.
– Người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề hợp pháp mà có hợp đồng lao động từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
+ Trường hợp đóng bảo hiểm y tế:
Theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
2. Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được không?
Người lao động đi làm đáp ứng các điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì đều phải đóng các loại bảo hiểm này.
Hằng tháng, người sử dụng lao động sẽ trích tiền đóng bảo hiểm từ quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm và trích một phần tiền lương tháng của từng người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cùng một lúc cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Như vậy, hầu hết các trường hợp đều phải đóng đồng thời cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Ngay cả khi người lao động đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc mua bảo hiểm y tế tự nguyện trước đó thì khi đi làm mà có ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên với doanh nghiệp thì người này vẫn phải đóng bảo hiểm y tế cho doanh nghiệp.
Bởi theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế, khi người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự:
(1) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
(2) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
(3) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
(4) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
(5) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Do đó dù đã có thẻ bảo hiểm y tế trước đó nhưng một khi đi làm, người lao động vẫn phải đóng cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chứ không được lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng bảo hiểm y tế.
Lưu ý: Riêng trường hợp người lao động làm việc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không phải đóng bảo hiểm y tế.