“71 triệu thì sẽ cầm được khoảng 25 triệu, giá cao nhất, lãi 8%/tháng, nếu bán ngang thì được giá cao hơn, khoảng 60% tiền thực lãnh”.
Nhiều người thất nghiệp trong khi những khoản nợ, chi phí về cơm áo, học phí của con, đau bệnh… cứ lởn vởn nên không còn lựa chọn nào khác ngoài mang sổ bảo hiểm đi cầm, thậm chí bán đứt trước hạn.
Có cung ắt có cầu, những “khu chợ” nhằm mua bán, cầm cố, “cắt lúa non” bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng mọc lên như nấm sau mưa, trở thành dịch vụ “hot” trên cõi mạng.
Như vay nặng lãi
Con bệnh nặng phải nhập viện, trong khi đang thất nghiệp từ đầu năm 2023 buộc chị Cẩm (công nhân da giày ở Đồng Nai) phải cầm sổ BHXH cho một người quen trong công ty với giá 10 triệu đồng.
Theo chị Cẩm, sổ BHXH của chị đã đóng được 6 năm 4 tháng, nếu lãnh BHXH một lần sẽ được trên 70 triệu, nhưng cầm 10 triệu thì lãi suất khoảng 10%/tháng, tuy nhiên nếu cầm với giá cao hơn thì lãi cũng cao hơn, có nơi lấy 15-20%.
“Làm công nhân mà, đùng cái con cái đau bệnh thì năm mười triệu trong một đêm làm sao xoay ra kịp nên cũng bấm bụng lãi suất cao thì cũng phải đi mượn thôi”, chị Cẩm nói.
Đang trả góp chiếc xe máy thì rơi vào cảnh thất nghiệp suốt năm tháng, anh Tuấn (38 tuổi, công nhân da giày) phải tìm tới các “đầu nậu” để “bán non” sổ BHXH với gần 10 năm đóng bảo hiểm.
So với số tiền hơn 90 triệu đồng thực lãnh một lần mà BHXH sẽ chi trả vào tháng 1 năm sau thì anh chỉ nhận được 36 triệu đồng, chưa được phân nửa giá trị thực.
“Đợi để được hưởng bảo hiểm một lần chắc cũng bị mấy ông tín dụng “khủng bố” trầm cảm mà chết mất. Chưa biết tới lúc đó có nhận được không, hay lại lòi ra nhiều chuyện như trùng sổ, sai ngày, mấy anh em trong nhóm làm chung bị hoài”, anh Tuấn nói.
Theo giới thiệu, chúng tôi gọi đến đầu số 0702892XXX, gặp một “đầu nậu” tự xưng có tên Gia Huy. Bắt máy là một phụ nữ luống tuổi, tự giới thiệu đang ở gần bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Nghe chúng tôi nói đang “kẹt” tiền, muốn cầm một sổ BHXH đã đóng được sáu năm, người phụ nữ liên tục hỏi về thời gian nghỉ việc, đã có căn cước công dân gắn chip hay chưa và hướng dẫn chỉ cần gửi ảnh sổ qua Zalo, lập tức được định giá, giao dịch ngay.
Lấy lý do sổ vẫn đang ở phòng trọ của bạn, nhưng với thông tin mà chúng tôi cung cấp rằng sổ trên đã được BHXH tạm tính với số tiền thực lãnh hơn 71 triệu đồng, người phụ nữ lập tức đáp: “71 triệu thì sẽ cầm được khoảng 25 triệu, giá cao nhất, lãi 8%/tháng, nếu bán ngang thì được giá cao hơn, khoảng 60% tiền thực lãnh”.
Nở rộ mua bán qua mạng
Chỉ với từ khóa “cầm, thanh lý sổ BHXH”, Google đã cho ra khoảng 2,7 triệu kết quả. Hai kết quả đầu tiên mà trang tìm kiếm này hiển thị đều dẫn về trang Facebook của nhóm “Cầm và thanh lý BHXH trước hạn” và nhóm “Hỗ trợ thanh lý sổ BHXH”.
Cũng với từ khóa đó, Facebook tiếp tục cho ra hàng chục hội nhóm, từ công khai tới kín, hoạt động chính là cung cấp “dịch vụ” cầm cố, mua bán và thanh lý sổ BHXH. Trong đó có nhóm lên tới hàng chục ngàn thành viên, đa số đều là tài khoản ẩn danh.
Tài khoản Minh Hiếu rao tin mình chuyên hỗ trợ lãnh BHXH trước thời hạn, ưu điểm là giao dịch gặp mặt trực tiếp, có tiền ngay.
Ngoài ra Hiếu thông tin hỗ trợ tất tần tật các lỗi thường gặp của sổ BHXH như: sổ lỗi, trùng sổ, nghỉ ngang, sai thông tin, gộp, đến hạn chưa lãnh được… Đính kèm cùng những thông tin trên, Hiếu công khai số điện thoại, đặc biệt không nhận cọc, nhanh chóng và giá cao.
Tài khoản Nguyễn Đức Lương (quản trị viên của một nhóm cầm và thanh lý BHXH trước hạn, với gần 14.000 thành viên) cũng đăng tin: “Hỗ trợ thanh lý, sổ BHXH trước thời hạn. Gặp mặt trực tiếp làm việc, nhận tiền ngay khi giao dịch. Sổ lỗi, chưa chốt, nghỉ ngang ok”.
Không chỉ các “đầu nậu” mới đăng tin tìm “khách”, các “khu chợ” như trên là kênh kết nối hữu hiệu cho những ai đang cần bán, cầm sổ BHXH. Tại một nhóm hỗ trợ thanh lý sổ BHXH, tài khoản D. đăng tin muốn “cầm sổ BHXH đóng 11 năm 1 tháng, mới nghỉ làm được bốn tháng, sổ trên 100 triệu và cầm 70 triệu”.
Hay trong một nhóm ở Bình Dương, tài khoản Cậu Ba đăng tin: “Cần tiền nên em muốn cầm hoặc thanh lý sổ bảo hiểm chốt tháng 9, 4 năm 1 tháng, khu vực Nhơn Trạch”.
Lý do giúp các hội, nhóm trên luôn tấp nập người mua kẻ bán là người lao động sẽ không cần phải làm quá nhiều thủ tục, đợi chờ tận một năm trời thất nghiệp mới được lãnh tiền. Dĩ nhiên số tiền thực nhận sẽ luôn thấp hơn nhiều so với số tiền mà người lao động thực lãnh từ cơ quan BHXH.
Mọi thứ đều diễn ra công khai, tuy nhiên để tiếp cận được với những người trong cuộc, cả bên bán lẫn bên mua thì không hẳn là dễ.
Với các “đầu nậu”, họ luôn yêu cầu khách phải cung cấp ảnh chụp sổ BHXH, rõ ràng thông tin về ngày tháng đóng bảo hiểm, ngày nghỉ việc, mức lương đóng bảo hiểm… Còn với người lao động, đó là một ngàn lẻ một lý do, câu chuyện khiến họ khéo từ chối cuộc phỏng vấn.
Theo “đầu nậu” T., việc ra yêu cầu về thời gian nghỉ việc (miền Nam nghỉ việc trước tháng 9-2022, miền Bắc nghỉ việc trước tháng 8-2022) nhằm để dòng tiền không bị “chôn” quá lâu. Ngoài ra, người bán và bên mua phải cùng nhau ra ủy ban, văn phòng công chứng, làm giấy ủy quyền lại cho bên mua.
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư Diệp Năng Bình – trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, điều 96 của Luật BHXH năm 2014 quy định mỗi người lao động khi tham gia BHXH được cấp một sổ BHXH.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 105, Bộ luật Dân sự 2015 thì sổ BHXH không phải là một loại tài sản và mọi giao dịch dân sự liên quan đến việc mua bán, cầm cố loại giấy tờ này là không hợp pháp.
Người trục lợi từ hành vi cầm cố sổ BHXH, mua bán sổ BHXH nếu bị phát hiện tùy mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, nặng hơn có thể bị xử lý hình sự.
Mức phạt nặng nhất có thể lên tới 5-10 năm nếu chiếm đoạt từ 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.
Nếu gây thiệt hại 20 – 100 triệu đồng có thể nhận mức phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm hoặc cải tạo không giam giữ 2 năm.
Công Triệu
Nguồn:https://tuoitre.vn/so-bao-hiem-71-trieu-ha-cam-thi-25-trieu-ban-luon-42-trieu-20230505075826661.htm