Thiếu niên điều khiển xe chạy trốn CSGT ở Sóc Trăng bị xử lý thế nào?

Bên cạnh việc xử lý các cảnh sát có hành vi thiếu chuẩn mực, dư luận cũng quan tâm về mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm luật giao thông của thiếu niên điều khiển xe máy.

Liên quan đến vụ việc cảnh sát có hành vi bạo lực với 2 thiếu niên vi phạm giao thông, qua quá trình làm việc tại trụ sở Công an xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), 2 thiếu niên trong vụ việc thừa nhận các hành vi vi phạm, gồm: Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị, không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh trên 100cm³.

Vậy với những hành vi vi phạm luật giao thông như vậy, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý như thế nào? Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật đã có những trao đổi, nhìn nhận về vụ việc.

Thiếu niên điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý theo 50% mức phạt quy định

Thieu nien dieu khien xe chay tron CSGT o Soc Trang bi xu ly the nao? hinh anh 2Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền; thì mức tiền phạt không quá ½ mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. “Vì người điều khiển phương tiện chạy trốn lực lượng chức năng đã đủ 16 tuổi, nên sẽ xử lý một nửa mức phạt quy định” – luật sư Bình nhận định.

Đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông: Căn cứ tại điểm g khoản 4 điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP khi người điều khiển không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông: Căn cứ tại Điểm e, khoản 4, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu chi tiết về mức phạt khi vượt đèn đỏ, đèn vàng như sau: Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đối với hành vi điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị: Theo điểm b, khoản 8, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị.

Đối với hành vi không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Căn cứ tại điểm a, khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng. 

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh trên 100cm³ sẽ bị xử phạt như sau: Căn cứ tại điểm a khoản 1 điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm điều kiện của người điều khiển phương tiện cơ giới thì phạt tiền từ 400.000đ đến 600.000đ đối với Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên;

Người giao phương tiện cho thiếu niên điều khiển cũng sẽ bị xử phạt

Theo luật sư Diệp Năng Bình, người đã giao phương tiện cho thiếu niên không đủ điều kiện điều khiển phương tiện cũng sẽ bị xử phạt.

Theo điều 264, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên… thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung cao nhất thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 

Trường hợp chưa gây thiệt hại vẫn sẽ bị xử lý theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Không đủ dấu hiệu cho thấy có hành vi chống người thi hành công vụ khi chạy trốn cảnh sát giao thông

Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

“Hành vi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử phạt nhưng người điều khiển phương tiện không chấp hành mà vẫn điều khiển xe đi tiếp không đủ dấu hiệu cho thấy đã có hành vi chống người thi hành công vụ. Đó chỉ là hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông. Nếu như người điều khiển phương tiện có ý định, thủ đoạn muốn đâm thẳng vào người đang thi hành công vụ nhằm gây thương tích thì được xem là căn cứ để xác định  tội chống người thi hành công vụ theo điều 330 BLHS 2015 hoặc tội giết người.” Luật sư Diệp Năng Bình nhận định./.

Hoàng Đạt

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thieu-nien-dieu-khien-xe-chay-tron-csgt-o-soc-trang-bi-xu-ly-the-nao/821163.vnp

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898