Theo các chuyên gia, việc 3 cô con gái phóng hỏa đốt nhà mẹ đẻ, khiến bản thân và mẹ bị bỏng nặng là hành động đáng lên án và có sự lệch lạc trong tâm lý.
Tội ác từ đâu?
Ngày 4/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người để điều tra vụ việc phóng hoả, đốt nhà xảy ra tại xã Trung Hoà, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Hiện trường vụ 3 cô con gái mang xăng đến phóng hỏa đốt nhà mẹ đẻ.
Theo Công an tỉnh Hưng Yên, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản, chia quyền thừa kế đất, khoảng 9h30 ngày 30/10, 3 con gái của bà V.T.Đ (SN 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) gồm chị Đỗ Thị Định (SN 1982, ở thôn Thiên Lộc); chị Đỗ Thị Điểm (SN 1988, ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ) và chị Đỗ Thị Đưa (SN 1990, ở phường Nhân Hoà, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà bà mẹ đẻ.
Tại đây, chị Điểm đã đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách nhà bà Đ. rồi châm lửa đốt cháy. Hậu quả, bà Đ., chị Điểm, chị Định, chị Đưa bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.
Từ vụ việc trên, dư luận đã lên án hành vi của 3 cô con gái và cho rằng đó là hành vi “bất hiếu”, nhiều người còn đặt câu hỏi không rõ nguyên nhân nào dẫn đến sự lệch lạc trong tâm lý để khiến 3 người con gái nhẫn tâm phóng hỏa, đốt nhà và đốt cả mẹ đẻ như vậy?
Căn nguyên của “tội ác”
Để có góc nhìn khách quan, ngày 4/11, PV đã có cuộc trò chuyện với thượng tá – Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học.
Theo thượng tá Hiếu, hiện tượng người trong gia đình giết hại nhau đang diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, báo hiệu những điều bất thường trong xã hội.
Thượng tá – Tiến sĩ Đào Trung Hiếu.
Nhìn ở nguyên nhân gần, tức là nguồn cơn trực tiếp dẫn đến các tình huống xung đột gây án mạng dưới mái nhà Việt, có thể thấy thủ phạm thường hạ sát người thân trong sự kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bột phát. Mâu thuẫn trong gia đình hiện nay, có thể đến từ tranh chấp đất đai, tài sản, quyền lợi hay ghen tuông tình ái, bức xúc từ lối ứng xử bạo lực, thiếu văn hoá giữa các thành viên với nhau. Các yếu tố này tích tụ, dồn nén. Khi vượt quá giới hạn của sức chịu đựng, thì việc xuống tay tàn bạo với người thân của mình, giống như một sự giải phóng những năng lượng tiêu cực.
“Tuy nhiên, không phải ai gặp phải các tình huống bất lợi như trên cũng có thể giết hại người thân của mình. Theo tôi, chính sự suy thoái văn hoá, xuống cấp về đạo đức lối sống, mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội và kế hoạch cũng như quyết tâm thực hiện tội phạm của hung thủ. Hiện nay, không khó để nhận thấy “tâm Tham” với ý nghĩa mong cầu, dính mắc, sở hữu, đang vận động rất mạnh trong tâm lý nhiều người”, thượng tá Hiếu nói.
Thượng tá Hiếu nhận định, hoàn cảnh xã hội, các tác động tiêu cực từ đời sống kinh tế, văn hoá, khiến các giá trị đạo Đức truyền thống bị mai một, thui chột dần, nhường chỗ cho sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi. Càng chạy theo giá trị vật chất, tôn thờ đồng tiền, lấy vật chất tiền bạc hay quyền lực là thước đo cao nhất trên thang giá trị, sẽ càng ích kỷ, tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, đi liền với nó là lối sống hưởng thụ, chỉ biết mình và hoàn toàn vô cảm với đúng sai, sẵn sàng xé rào bất chấp luật pháp hay đạo lý miễn là bảo đảm được lợi ích của mình. Cũng chính vì sự mong cầu vật chất, mong muốn thỏa mãn lợi ích, nên con người ta mới sẵn sàng bảo vệ nó bằng mọi giá.
“Khi cảm thấy lợi ích bị xâm hại, hay không đạt được kỳ vọng, từ “Tham” sẽ chuyển hoá, kích động “tâm Sân”- tức là sự nóng nảy, giận dữ trỗi dậy. Chính trong quá trình vận hành của “tâm sân”, mà án mạng xảy ra”, thượng tá Hiếu cho hay.
Giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa trọng án trong xã hội và gia đình nói riêng, giải pháp căn cơ là phải xây dựng lại con người hướng đến 3 gốc đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Việc kế thừa, phát huy những giá trị tinh thần, triết lý cổ xưa vào việc giáo hoá con người là hướng đi đúng đắn ở nhiều quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao.
“Xây dựng một xã hội không chạy theo sự tăng trưởng, mà hướng đến hạnh phúc của con người dựa trên nền tảng đạo đức, tinh thần vị tha cao cả, nên chăng là lựa chọn của chúng ta?”, thượng tá Hiếu chia sẻ.
Đồng quan điểm với thượng tá Đào Trung Hiếu, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho hay, nếu chỉ vì nguyên nhân tranh chấp đất đai mà 3 cô con gái nhẫn tâm “thiêu sống” mẹ đẻ của mình thì đó là hành vi mất tính người, coi thường pháp luật và là hồi chuông cảnh tỉnh sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật.
“Việc con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình đã được quy định rõ trong Luật Hôn nhân và gia đình. Đây không chỉ mang tính chất là truyền thống của người Việt ta mà pháp luật cũng đã quy định rõ”, luật sư Bình cho hay.
Theo luật sư Bình, ngày nay, mọi người đều có suy nghĩ chung là “tấc đất, tấc vàng” nên việc xảy ra tranh chấp đất đai giữa những người thân trong gia đình không phải chuyện hiếm. Thậm chí, có nhiều vụ án đau lòng cũng xuất phát từ nguyên nhân này, dẫn tới việc người thân trong gia đình tự đưa nhau vào cảnh lao lý.
“Khi có tranh chấp xảy ra thì tốt nhất các bên nên khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Đừng vì những phút không kiềm chế để khi đứng trước sự trừng trị của công lý mới nhận ra lỗi lầm của mình nhưng mọi chuyện đã quá trễ”, luật sư Bình đưa ý kiến.
Ở một góc nhìn khác, nhà báo Nguyễn Quyết chia sẻ, việc 3 cô con gái đổ xăng ra nhà, châm lửa trong tình trạng xô đẩy với mẹ đẻ là một hành vi man rợ, mất tính người.
Nhà báo Nguyễn Quyết.
Theo nhà báo Nguyễn Quyết, vụ án này cũng là một ví dụ điển hình cho câu chuyện phân chia thừa kế theo truyền thống bao lâu nay của người Việt và tư tưởng “chiếm hữu” của con cái với tài sản của bố mẹ.
“Đây không phải là câu chuyện hiếm gặp, nó phổ biến khắp ở Việt Nam đến nỗi trở thành một gánh nặng tâm lý lên bất kỳ gia đình nào, khi bố mẹ toan về già. Thậm chí, bố mẹ chưa về già mà con cái đã nghĩ đến chuyện tranh giành tài sản, tìm mọi cách để bớt nỗi lo rằng mình sẽ bị chia phần ít”, nhà báo Nguyễn Quyết nói.
Nhà báo Nguyễn Quyết nhận định, việc chia tài sản khiến con cái coi tiền, đất đai của bố mẹ đương nhiên sẽ là của mình. Chừng nào con cái vẫn trông đợi vào tài sản thừa kế như là một lẽ đương nhiên, chừng nào các bậc phụ huynh vẫn theo truyền thống chia cho con trai nhiều hơn con gái, chừng nào còn chia chưa đủ hoặc cách chia không công bằng, thì chừng đó vẫn còn các câu chuyện tương tự.
Theo Đức Nhật (Người đưa tin)