Hiện nay, việc một số người cầm cố thẻ căn cước công dân để vay tiền đã không còn xa lạ. Vậy việc cầm cố như trên có hợp pháp không? Hôm nay, hãy cùng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật tìm hiểu về nội dung này trong bài viết dưới đây.
- Thẻ căn cước công dân là gi? Cầm cố là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì cân cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân theo quy định của Luật này. Do đó, có thể hiểu thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân chưa đựng thông tin căn cước công dân và thông tin khác được ghi trên thẻ, do cơ quan quản lý căn cước công dân cấp theo quy định của Luật này.
(Lưu ý: Từ ngày 01/07/2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, thẻ căn cước công dân sẽ được chuyển thành thẻ căn cước. Người dân có thể tiếp tục sử dụng thẻ căn cước công dân đến khi hết thời hạn được ghi trên thẻ hoặc đăng ký, cấp đổi sang thẻ căn cước mới).
Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
- Có được cầm cố thẻ căn cước công dân để vay tiền không?
Theo khoản 7 Điều 7 Luật Căn cước công dân năm 2014 thì pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau đây: Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.
Như vậy, việc cầm cố hay nhận cầm cố thẻ căn cước công dân được xem là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính.
Theo điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm.
- Trường hợp nào bị tạm giữ, thu hồi thẻ căn cước công dân?
Theo Điều 28 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định như sau:
+, Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
+, Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:
– Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
+, Trong thời gian bị tạm giữ thẻ Căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ Căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
+, Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+, Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:
– Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân;
– Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về chủ đề “Có được cầm cố thẻ căn cước công dân để vay tiền mặt không?”. Hy vọng rằng những chia sẻ trên là hữu ích đối với bạn. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào tới nội dung này hay có bất kỳ vấn đề pháp lý nào khó khăn cần được tư vấn bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0938.48.88.98 hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected] để được hỗ trợ tư vấn giải quyết kịp thời.
Chúc Quý Khách hàng cùng với gia đình một ngày mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng.