TÌM HIỂU QUY ĐỊNH VỀ TỘI SỬ DỤNG CON DẤU, LÀM GIẢ TÀI LIỆU

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là tội danh ghép được quy định trong cùng một điều luật (Điều 341 BLHS). Các hành vi của tội này đều là sự xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước và tổ chức, đặc biệt là trong quản lý về con dấu và tài liệu, đây là những khía cạnh quan trọng đảm bảo tính pháp lý và trật tự trong hoạt động của cơ quan, tổ chức. Hiểu rõ về các tội danh này giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ các giá trị pháp lý và trật tự quản lý hành chính, từ đó góp phần vào việc phòng chống tội phạm hiệu quả hơn.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Thế nào là tội ghép?

Tội phạm ghép là tội phạm mà hành vi khách quan được hình thành bởi nhiều hành vi khác nhau xảy ra đồng thời, xâm hại các khách thể khác nhau.

Ví dụ: Hành vi khách quan của tội cướp tài sản bao gồm hai hành vi khác nhau, đó là hành vi xâm hại quan hệ nhân thân (dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc…) và hành vi xâm hại quan hệ sở hữu (chiếm đoạt).

Quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trong BLHS

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 314 như sau:

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Như vậy có thể thấy, quy định này được ghép bởi hai tội danh gần nhau gồm: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức về cơ bản không quá khác biệt. Cụ thể:

Về mặt khách thể: Hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Bảo vệ sự an toàn của con dấu và các tài liệu, giấy tờ trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu, giấy tờ này; đối tương tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả.

Về mặt khách quan: Hai tội danh được thực hiện bởi hai hành vi khác nhau. Thực tế, hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Việc làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng tương tự như đối với tội sản xuất hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự chỉ khác nhau ở chỗ “hàng” được làm ra không phải là “hàng hoá” mà là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ. Vì vậy, khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật, nếu cơ quan tổ chức không có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó thì cũng không thể coi hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ là hành vi làm giả được, vì không có thật thì cũng không có giả.

Về phần chế tài xử phạt, người nào làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm về quản lý sử dụng con dấu

Đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức quy định tại Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau: 

Thứ nhất,  phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Không thực hiện thủ tục cấp lại khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất;
  • Không thực hiện thủ tục đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị hỏng;
  • Không thông báo mẫu con dấu cho cơ quan, tổ chức có liên quan biết trước khi sử dụng;
  • Không ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.

Thứ hai, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Tự ý mang con dấu ra khỏi trụ sở cơ quan, tổ chức mà không được phép của chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;
  • Không đăng ký lại mẫu con dấu theo quy định của pháp luật;
  • Không chấp hành việc kiểm tra con dấu, không xuất trình con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
  • Mất con dấu mà quá 02 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện mất con dấu, cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đó và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.

Thứ ba, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
  • Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có chữ ký của người không có thẩm quyền;
  • Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;
  • Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng;
  • Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung con dấu đã đăng ký;
  • Làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;
  • Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu;
  • Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;
  • Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.

Thứ tư, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  • Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước;
  • Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả;
  • Chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu;
  • Tiêu hủy trái phép con dấu.

Như vậy tuỳ thuộc vào mức hành vi, mức độ vi phạm người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra còn có thể phải Buộc nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; Buộc hủy bỏ văn bản, giấy tờ đóng dấu sai quy định; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được và Buộc nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi vi phạm.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về chủ đề “Tìm hiểu quy định về tội sử dụng con dấu, làm giả tài liệu”. Hy vọng rằng những chia sẻ trên là hữu ích đối với bạn. Trường hợp còn bất kỳ băn khoăn nào tới nội dung này hay có bất kỳ vấn đề pháp lý nào khó khăn cần được tư vấn bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0938.48.88.98 hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected]  để được hỗ trợ tư vấn giải quyết kịp thời.

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898