Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được xem như phiếu thông hành đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động. Hôm nay, hãy cùng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật tìm hiểu, phân tích về thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

–    Luật An toàn thực phẩm năm 2010;

–    Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

–    Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế;

–    Thông tư số 67/2021/TT-BTC ngày 05/08/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm.

 

  1. Khái niệm

Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm.

An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khoẻ, tính mạng con người.

  1. Đối tượng, điều kiện cấp Giấy chứng nhận

Để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có các điều kiện sau:

– Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

– Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

  1. Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận

Nhũng trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận bao gồm:

– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

– Sơ chế nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

– Nhà hàng trong khách sạn;

– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

– Kinh doanh thức ăn đường phố;

– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

  1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận

Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

  • Bộ Y tế:

Cục An toàn thực phẩm quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh:

– Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

– Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới;

– Phụ gia thực phẩm không thuốc danh mục chất phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ y tế quy định.

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh:

– Nước uống đóng trai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm;

– Các vi chất bổ sung vào thực phẩm;

– Phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;

– Kinh doanh dịch vụ ăn uống (các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng, căng tin, …)

  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đa ngành (từ 2 ngành trở lên) có giấy đăng ký kinh doanh.

Cục Thú ý cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung do Trung ương quản lý, cơ sở sản xuất giống thủy sản quốc gia, cơ sở nuôi đăng ký chứng nhận an toàn dịch bệnh thủy sản, khi cách ly kiểm dịch động vật thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu.

Chi cục Thú y: Cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thịt gia cầm gia súc tươi sống, mật ong.

Chi cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất kinh doanh rau quả, chè các loại.

Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu, sản phẩm thủy hải sản các loại.

  • Bộ Công thương:

 Bộ Công thương có thẩm quyền cáp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm như: Bia, rượu, đồ uống có cồn, sữa, bánh, kẹo, nước giải khát, bột và tinh bột, …

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nộp hồ sơ tại các Ban quản lý an toàn thực phẩm tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, …

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương, sẽ do sở Công thương tỉnh sở tại tiếp nhận và cấp phép.

  1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận
    • Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận

Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

  • Trình tụ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận

– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính.

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  1. Phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận
STT Phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Mức thu
1 Thẩm định cơ sở kinh doanh thực phẩm 1.000.000 đồng/lần/cơ sở
2 Thẩm định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Phục vụ dưới 200 suất ăn 700.000 đồng/lần/cơ sở
Phục vụ từ 200 suất ăn trở lên 1.000.000 đồng/lần/cơ sở
3 Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm (trừ cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe) Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 500.000 đồng/lần/cơ sở
Đối với cơ sở sản xuất khác (bao gồm cả cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 2.500.000 đồng/lần/cơ sở
4 Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) 22.500.000 đồng/lần/cơ sở

 

  1. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận

– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.

– Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về chủ đề “Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Hy vọng rằng những chia sẻ trên là hữu ích đối với bạn. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào tới nội dung này hay có bất kỳ vấn đề pháp lý nào khó khăn cần được tư vấn bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0938.48.88.98 hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected] để được hỗ trợ tư vấn giải quyết kịp thời.

Chúc Quý Khách hàng cùng với gia đình một ngày mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.

 

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898