Từng bị xử phạt về hành vi quảng cáo phản cảm trên tàu điện ngầm, nhãn hàng Vua Nệm mới đây lại tiếp tục có một số nội dung quảng cáo sản phẩm “xôi thịt” khiến nhiều người khó chấp nhận.
Liên tiếp những sản phẩm quảng cáo khiến dư luận phẫn nộ
Trong dịp lễ Valentine vừa qua, chuỗi nệm lớn nhất Việt Nam đã tung ra loạt hình ảnh quảng cáo với thông điệp “Nệm là để yêu”. Hình ảnh các người mẫu nam bán nude tạo dáng với tư thế nhạy cảm kèm theo đó một loạt từ ngữ chỉ các hành động như “nựng”, “xoa”, “bế”… đã khiến nhiều người không khỏi “nhức mắt”.
Không dừng lại đó, thương hiệu này còn cố tình nhấn mạnh nội dung quảng cáo khi ở cuối bộ ảnh dòng chữ “Nệm là để yêu” đã được thiết kế “khéo léo” khi chữ “m” trong từ “Nệm” đã được làm mờ nét cuối khiến nhiều người nhìn thoáng qua sẽ chỉ đọc thấy chữ “nện”.
Không thể không thừa nhận rằng, đội ngũ content của thương hiệu đã rất thành công trong việc khiến chiến dịch này trở nên viral bởi ngay khi được đăng tải, bài đăng thu về lượt tương tác khủng, chia sẻ tràn lan trên các fanpage nổi tiếng. Dẫu vậy, phần đông khán giả “lắc đầu”, đánh giá sự kém tinh tế trong cách thức quảng cáo sản phẩm của Vua Nệm. Một số khác còn so sánh bài đăng của Vua Nệm “bắt chước” phong cách Durex nhưng chưa đến nơi.
Thực tế, đây không phải lần đầu Vua Nệm sử dụng hình ảnh quảng cáo nhạy cảm. Hồi tháng 12/2021, chiến dịch quảng cáo với hình ảnh những chàng thanh niên cởi trần quảng cáo trên tàu điện Cát Linh – Hà Đông đã khiến Vua Nệm bị xử phạt 137 triệu đồng.
Giới hạn nào giữa “nghệ thuật” với “dung tục”?
Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục là câu chuyện chưa bao giờ có hồi kết. Trong lĩnh vực quảng cáo cũng vậy, nhãn hàng nào cũng cố gắng sáng tạo sao cho nghệ thuật, độc đáo, thu hút được nhiều tệp khách hàng nhất nhưng dường như đã quên mất yếu tố gọi là văn hóa.
Bằng mọi cách thức, mọi lúc, mọi nơi, các quảng cáo của nhiều thương hiệu đang bủa vây người tiêu dùng với mục đích thu hút sự chú ý khách hàng và gia tăng lợi nhuận bất chấp những tiêu chuẩn về thuần phong, mỹ tục.
Phạm Thị Hương Thương (23 tuổi), hiện đang là nhân viên Social Media của một thương hiệu mỹ phẩm. Theo dõi các chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng khác là cách để cô bạn tham khảo và học tập. “Nếu chỉ suy xét ở mức độ viral, thì chiến dịch này của Vua Nệm có thể đã thành công. Chắc hẳn đội ngũ truyền thông của bên đó cũng phải tính toán được những bàn tán, tranh cãi tiêu cực về chiến dịch của họ trên MXH rồi. Và nếu mục đích của họ là vậy thì đây cũng là một kết quả đáng kể”, cô bạn bày tỏ.
Dẫu vậy, Thương cũng cho rằng nếu nói chiến dịch này có chiến thắng ở khía cạnh thông điệp hay tạo ấn tượng với khách hàng hay không thì không chắc. Làm về những nội dung nhạy cảm như thế này rất khó, chính vì thế, người làm sáng tạo nên tiếp thu những kiến thức tổng quan về văn hóa, tâm lí hay xu hướng phát triển của xã hội là không bao giờ thừa.
Cũng bàn về nghệ thuật quảng cáo sao cho phù hợp với văn hóa, Nguyễn Trọng Hoàng (25 tuổi) Giám đốc Giải pháp Truyền thông & Xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho hay: “Đối với mình nghệ thuật hay dung tục nó tùy thuộc vào con mắt của từng người. Bản thân mình đánh giá chiến dịch này không văn mình vì nó tình dục hoá đàn ông. Có vẻ thương hiệu này đang dùng truyền thông tạo tính lan tỏa mà không thèm để ý gì đến sự phát triển văn minh của cộng đồng”.
Để sáng tạo ra một nội dung vừa đủ hấp dẫn nhưng vẫn duyên dáng mà không lố bịch không phải là một điều dễ dàng. Hoàng cho rằng: “Bản thân người làm sáng tạo phải có 1 suy nghĩ văn minh, điều này có nghĩa là phải luôn biết điều mình viết hay thể hiện ra có đang đi ngược lại 1 giá trị được công nhận của xã hội hay không, có chống lại quyền con người, vô nhân đạo… Tiếp đó là phải rất cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ và hình ảnh khi đưa bất kì một sản phẩm sáng tạo nào ra công chúng”.
Trên thực tế những người làm sáng tạo nội dung luôn phải cập nhật những ý tưởng tiến bộ có như vậy thì sức sáng tạo nội dung mới có chiều sâu và không dễ sa vào dung tục. Bởi nói đi nói lại thì ranh giới giữa sự sáng tạo, nổi loạn và phản cảm rất mong manh.
Cần nghiêm khắc với quảng cáo phản cảm!
Có thể thấy việc doanh nghiệp này làm được thì doanh nghiệp khác cũng muốn tạo sự khác biệt làm theo. Nếu chúng ta không ngăn chặn và không kiểm soát được những quảng cáo phản cảm đấy sẽ dẫn đến một trào lưu xã hội và không phải chỉ dừng lại ở mức độ thấp mà ở mức độ cao hơn.
Phân tích vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 40 – 60 triệu đồng nếu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Theo luật sư Bình, thực chất của việc quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu chỉ để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng là mục đích chính của bất cứ doanh nghiệp lớn và nhỏ đều hướng đến.
Để đạt được điều đó, không ít những doanh nghiệp đã phớt lờ những quy định của pháp luật mà quảng cáo phản cảm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, chỉ để thu hút sự chú ý của dư luận, thậm chí càng sốc càng tốt.
Đối với việc các doanh nghiệp sử dụng chiêu trò quảng cáo nêu trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Tại khoản 3 Điều 8 Luật quảng cáo 2012 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Theo đó, khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu rõ, theo quy định tại điểm D khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực pháp luật, hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị thiệt hại do hành vi quảng cáo bị vi phạm gây ra đều có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại.
Như nội dung đã nêu trên, mức xử phạt đối với hành vi trên được áp dụng với chủ thể là doanh nghiệp, mức phạt trong khung từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Bên cạnh đó, biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này cũng chỉ dừng lại ở biện pháp là buộc xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm. Từ các quy định này, chúng ta cũng không có cơ sở đánh giá mức phạt như vậy đã phù hợp hay chưa. So với việc bỏ ra số tiền phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng thì có lẽ, lợi ích mà doanh nghiệp nhận được là lớn hơn so với việc bị xử phạt hành chính.
Cùng với chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế nguyên nhân chính là xuất phát từ ý thức của mỗi doanh nghiệp, nhiều trường hợp họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt khi sử dụng các “chiêu trò”. Họ chấp nhận chịu phạt để được “đánh bóng tên tuổi”, “quảng bá” sản phẩm, thương hiệu công ty, dù bị dư luận nhìn nhận ở góc độ tích cực hay tiêu cực thì ít nhiều “hình ảnh” của doanh nghiệp cũng được biết đến rộng khắp cả nước.
Ngọc Linh