Sơn La: Vấn đề pháp lý trong vụ việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc tại huyện Mộc Châu

(LSVN) – Đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy để họ được chữa bệnh, lao động, học tập văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện là cả một quy trình chặt chẽ, có sự phối hợp liên ngành của nhiều cơ quan, đơn vị.

Quy trình liên ngành, chặt chẽ

Căn cứ Điều 96, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp như người không có năng lực trách nhiệm hành chính, người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Về quy trình thực hiện đưa người đi cai nghiện bắt buộc, theo Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại Điều 103, 104 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về lập hồ sơ đề nghị biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Toà án cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

– Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hồ sơ đề nghị gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan.

– Đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp xã phải xác minh; trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hồ sơ đề nghị gồm: Biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người nghiện ma túy. Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ đề nghị quy định vừa nêu.

Trường hợp người nghiện ma túy vi phạm do cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 96 của Luật này thì cơ quan Công an đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó. Hồ sơ đề nghị gồm: Bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.

Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 103, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi người bị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ gửi Trưởng phòng LĐ-TB&XH cùng cấp.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Điều 103 của Luật này, Trưởng phòng LĐ-TB&XH cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì giao cơ quan đã lập hồ sơ để tiếp tục thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ.

Hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm: Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 103 của Luật này; văn bản của Trưởng phòng LĐ-TB&XH cấp huyện về việc đề nghị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được đánh bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Đơn kiến nghị của Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo nội dung đơn phản ánh của Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho anh Phạm Hùng Cường, trú tại Tiểu khu Chè Đen 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), và đơn của anh Cường cho biết, sự việc các cơ quan chức năng huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tiến hành các biện pháp đưa anh Cường đi cai nghiện bắt buộc vào thời điểm 6/2021 có dấu hiệu chưa tuân thủ các quy định pháp luật, ngụy tạo hồ sơ…

Cụ thể, vào tối ngày 29/6/2021, khi anh Cường đang ở nhà thì có 02 người mặc thường phục đến và tự xưng là Công an đưa anh lên ô tô về trụ sở Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu. Tại đây, hai người này yêu cầu anh Cường thử nước tiểu,  thông báo anh Cường dương tính với ma túy.

Sau đó, Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu yêu cầu anh Cường ký nhiều biên bản, giấy tờ và đọc cho viết tường trình là người sử dụng ma túy từ tháng 12/2020. Anh Cường có thắc mắc thì những người này nói là viết xong sẽ cho về, nếu không sẽ bắt về hành vi sử dụng ma túy và cho đi tù.

Sau đó, anh Cường bị còng tay và bị giữ tại Công an Thị trấn Nông trường Mộc Châu không lý do, đến khoảng 17h00 ngày 30/6/2021 thì được đưa đến TAND huyện Mộc Châu. Ngay sau đó, TAND huyện Mộc Châu ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc với thời hạn 24 tháng từ ngày 30/06/2021 đến ngày 30/06/2023. Đến khoảng 19h20 cùng ngày, anh Cường bị đưa đến Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La.

Ngay sau khi anh Cường bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, ông Phạm Hồng Việt và bà Trần Thị Chi (bố mẹ anh Cường) đã gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến việc đưa anh Cường đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, những kiến nghị của gia đình anh Cường đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, đúng với diễn biến thực tế.

Ngày 25/6/2021 Phạm Hùng Cường ở đâu?

Căn cứ hồ sơ được Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật sao chụp tại TAND huyện Mộc Châu thể hiện, tại Quyết định số 118/QĐ-TA, ngày 30/6/2021 của TAND huyện Mộc Châu về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (số bút lục 27-28) ghi: “Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ nhận thấy, Phạm Hùng Cường là đối tượng nghiện chất ma túy, ngày 31/12/2020 Phạm Hùng Cường đã bị UBND thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn thời gian giáo dục là 03 tháng. Ngày 25/6/2021, Phạm Hùng Cường tiếp tục sử dụng ma túy bằng hình thức hít Methamphetamine. Kết quả xét nghiệm của Trạm Y tế thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: Phạm Hùng Cường có nghiện ma túy, tên loại ma túy sử dụng là Methamphetamine”.

Tuy nhiên, trong ngày 25/6/2021 anh Cường ở nhà và chiều cùng ngày làm cơm mời rất nhiều anh em, hàng xóm đến ăn. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh Cường đã tiến hành lập vi bằng có chữ ký của những người chứng kiến Cường ở nhà vào ngày 25/6/2021.

Vào khoảng 22h cùng ngày, Phạm Hùng Cường mới bắt đầu rời khỏi nhà đi làm ca đêm tại Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu.

Tại Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 1521/TB-CAH-TH ngày 16/10/2022 của Công an huyện Mộc Châu cho biết: “Kết quả làm việc với Nguyễn Thị Hương, Vũ Thị Mai Thủy (nhân chứng có mặt tại nhà Cường ngày 25/6-PV) trình bày: Ngày 25/6/2021, Phạm Hùng Cường có mặt tại nhà riêng ở tiểu khu Chè Đen 2, trị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Những người nêu trên là hàng xóm, không có mối quan hệ họ hàng. Lý do xác nhận chính xác ngày 25/6/2021 Phạm Hùng Cường có mặt tại nhà vì ngày 25/6/2021 gia đình Phạm Hùng Cường tiến hành thịt chó mời mọi người đến ăn cơm. Trong những người tham gia ăn cơm có chồng của Vũ Thị Mai Thủy là Đường Văn Tích – sinh ngày 25/6/2021, trú tại tiểu khu Chè Đen 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Quá trình ăn cơm, mọi người chúc mừng sinh nhật của Đường Văn Tích”.

Trong khi đó, Cơ quan Công an huyện Mộc Châu cũng như Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu lại cho rằng, thời điểm lúc 15h ngày 25/6/2021 anh Cường đang xét nghiệm ma túy tại cơ quan Công an?.

Cũng theo Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 1521/TB-CAH-TH ngày 16/10/2022 của Công an huyện Mộc Châu cho biết, các ông bà: Phạm Ngọc Việt Anh, Phó Trưởng Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu; Nguyễn Danh Thắng, Phó Trưởng Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu; Phùng Hải Nam, Phạm Tường Lâm Tới, Nguyễn Công Thọ, Trần Trung Hiếu, Cán bộ Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu; Đào Văn Kiên, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu (nay là Phó Chánh Tranh tra huyện Mộc Châu); Nguyễn Thị Thu Hương, Trạm Trưởng Trạm Y tế chứng kiến anh Cường có mặt tại Công an thị trấn vào chiều ngày 25/6 để làm xét nghiệm. Tuy nhiên, những người này đang bị gia đình anh Cường tố cáo về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, ngụy tạo hồ sơ.

Thiếu hồ sơ lưu?

Cũng tại Quyết định số 118/QĐ-TA, ngày 30/6/2021 của TAND huyện Mộc Châu cho rằng, ngày 31/12/2020 anh Cường bị UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn, thời gian giáo dục là 03 tháng theo Quyết định số 672/QĐ-UBND do ông Đào Văn Kiên, Chủ tịch UBND thị trấn ký.

Căn cứ tài liệu do Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật sao chụp thể hiện, trong hồ sơ không có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các loại kết quả xét nghiệm thể hiện anh Cường có sử dụng ma túy làm căn cứ để UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND.

Nội dung đơn của gia đình bà Trần Thị Chi.

Về việc này, theo Luật sư Diệp Năng Bình, khi cơ quan chức năng phát hiện người vi phạm có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì phải có trách nhiệm lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Sau khi có biên bản vi phạm hành chính thì cơ quan chức năng phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

“Việc các cơ quan chức năng kết luận Cường là đối tượng nghiện ma túy nhưng theo hồ sơ vụ việc tại thời điểm trước khi có quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn thì không có biên bản xử phạt hành chính và quyết định xử phạt đối với Cường về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của công dân khi cho rằng Cường là người sử dụng ma túy nhưng không có căn cứ pháp lý.

Được biết, tất cả các văn bản lập ngày 31/12/2020 và ngày 25/6/2021 được UBND và Công an thị trấn Nông trường gửi về địa phương nơi anh Cường cư trú. Tuy nhiên, các ông Lê Quốc Toản, Bùi Hải Vân, Nguyễn Văn Phượng – cán bộ nơi anh Cường cư trú xác nhận bằng văn bản rằng không nhận được bất kỳ loại văn bản, giấy tờ nào do UBND và Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu gửi về.  

Hoàn thiện hồ sơ trong 01 ngày

Ngay trong ngày 30/6/2021, sau khi Công an thị trấn Nông trường Mộc Châu hoàn thiện hồ sơ, chuyển đến Phòng Tư pháp huyện Mộc Châu. Sau đó, cơ quan này chuyển đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Tòa án, Viện Kiểm sát xem xét hồ sơ của anh Phạm Hùng Cường.

Chiều ngày 30/6/2021, TAND huyện Mộc Châu ban hành Quyết định số 118/QĐ-TA áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với anh Phạm Hùng Cường.

Quyết định số 118/QĐ-TA nêu: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền khiếu nại, Cơ quan đề nghị có quyền kiến nghị, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án”.

Đến 16h40’, ngày 30/6/2021 Quyết định số 118/QĐ-TA được giao cho anh Phạm Hùng Cường.

Tuy nhiên, ngay sau đó anh Cường đã bị Công an Mộc Châu đưa đến Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La vào lúc 19h20’ ngày 30/6/2021.

Đánh giá về việc này, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, người sử dụng ma túy theo quy định pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Việc các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp đưa anh Cường vào trại cai nghiện chỉ trong một ngày là chưa phù hợp theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản và gửi Trưởng phòng LĐ-TB&XH cùng cấp.

Khoản 1 Điều 13 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng LĐ-TB&XH đối chiếu hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 9 Nghị định này với nội dung văn bản kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.

Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH đưa người đi thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Anh Cường có quyền được khiếu nại trong thời gian 03 ngày thì Quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mới có hiệu lực pháp luật thi hành. Thế nhưng, cơ quan chức năng lại đưa Cường vào cơ sở cai nghiện bắt buộc luôn trong khi quyết định trên chưa có hiệu lực làm ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898