TỘI GIẾT NGƯỜI ĐI TÙ BAO NHIÊU NĂM?

Hiện nay, tình trạng giết người có xu hướng gia tăng, có nhiều diễn biến phức tạp, những hành vi giết người thật man rợ nhưng những kẻ phạm tội thì thờ ơ, rất ít người có thái độ hối lỗi về hành động của mình. Hình phạt cho những kẻ máu lạnh này như thế nào? Cùng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

I/ Khái niệm

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng con người. Được quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

II/ Cấu thành tội phạm của tội giết người là gì?

Muốn hiểu sâu hơn về tội giết người thì dưới đây là phần phân tích về những yếu tố cấu thành tội phạm để bạn đọc có hình dung cụ thể nhất.

Mặt khách quan

Về hành vi: dùng mọi thủ đoạn để tước đi mạng sống của người khác được thực hiện theo hình thức hành động hoặc không hành động.

 Hành động: thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép như dùng súng bắn, dao đâm, các vũ khí tự chế nguy hiểm, bỏ thuốc độc… nhằm giết chết người khác.

Không hành động: đáng lẽ phải làm để bảo toàn tính mạng cho người khác nhưng lại không làm nhằm giết người đó.

Về hậu quả: những hành vi trên thông thường sẽ có hậu quả làm người khác chết. Tuy nhiên, cấu thành tội này chỉ cần tội phạm có hành vi nhằm tước đoạt đi mạng sống của người khác dù cho hậu quả chết người có xảy ra hay không

Mặt chủ quan

Hành vi thực hiện phạm tội là có lỗi, lỗi cố ý có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp

Lỗi cố ý trưc tiếp: có hành vi tước đoạt mạng sống của người khác mà biết trước là hành vi của mình sẽ gây ra cái chết cho người đó, mong cho hậu quả xảy ra.

Lỗi cố ý gián tiếp: biết rằng hành vi của mình sẽ đem lại cái chết cho người khác nhưng vẫn làm, biết trước hậu quả xảy ra, không mong muốn nhưng nếu hậu quả xảy ra thì có ý bỏ mặc.

Chủ thể

Tội phạm thực hiện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự,

Độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên

Khách thể

Tội phạm thực hiện hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quyền sống, quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khoẻ của con người.

III/ Hình phạt của tội giết người được quy định như thế nào trong BLHS 2015?

Tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra mà có những khung hình phạt cho tội giết người là khác nhau, quy định tại điều 123 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

  • Đối với người nào giết người mà thuộc 1 trong các trường hợp sau thì sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình:

+ Giết nhiều người;

+ Giết phụ nữ mà biết là có thai;

+ Giết trẻ em;

+ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

+ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: hiếp dâm sau đó giết người

+ Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác. Ví dụ: giết người để bịt đầu mối cho việc mình ăn trộm ở tiệm vàng…

+ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

+ Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

+  Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Ví dụ: Một kẻ đã đánh tráo ống thuốc tiêm của y tá điều trị, thay vào đó một ống thuốc giả có nhãn hiệu như ống thuốc thật, nhưng có độc tố mạnh để mượn tay người y tá giết chết bệnh nhân mà y có thù oán.

 + Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; trường hợp người phạm tội đã sử dụng những công cụ, phương tiện hoặc thủ đoạn phạm tội có khả năng làm chết từ 02 người trở lên như: Ném lựu đạn vào chỗ đông người; cho thuốc độc vào nguồn nước, bể nước công cộng; bắn súng vào tàu, xe, ca nô khi đang có nhiều người ở trên…

 + Thuê giết người hoặc giết người thuê;

 + Có tính chất côn đồ; Giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác và những quy tắc trong cuộc sống.

 + Có tổ chức;

 + Tái phạm nguy hiểm; đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi giết người; đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi giết người.

 +  Vì động cơ đê hèn. Ví dụ: giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ hoặc chồng khác; giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân; giết người tình mà biết họ đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết chủ nợ để trốn nợ; giết người để cướp tài sản; giết người là ân nhân của mình…

  • Người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu phạm tội không thuộc các trường hợp đã nêu trên. Đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết định khung tăng nặng. Về kỹ thuật lập pháp, trường hợp phạm tội giết người này chính là cấu thành tội phạm cơ bản của Tội giết người
  • Đối với người chuẩn bị phạm tội giết người thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Chuẩn bị phạm tội giết người là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm giết người.
  • Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.

Trên đây là toàn bộ bài phân tích của Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật chúng tôi, hy vọng  bài viết đem lại những kiến thức bổ ích về pháp luật tới bạn đọc. Nếu có câu hỏi thắc mắc cần sự hỗ trợ, hãy tìm đến chúng tôi để có câu trả lời sớm nhất.

[bvlq_danh_muc]