Tổng thuật Tọa đàm: Luật sư – Nhà báo với góc nhìn thực tiễn Luật Báo chí 2016

(LSVN) – Để làm rõ hơn vai trò và mối quan hệ giữa Luật sư và báo chí, nhân Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 21/6/2023, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Chương trình Tọa đàm Luật sư – Nhà báo với góc nhìn thực tiễn Luật Báo chí 2016 với chủ đề “Sự tương tác giữa Luật sư và báo chí hiện nay”.

Tham dự Tọa đàm có: Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý; Luật sư Lê Hồng Hiển, Hãng Luật Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Nhà báo Đoàn Văn Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội, nguyên Giám đốc VOV Tây Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tọa đàm Luật sư – Nhà báo với góc nhìn thực tiễn Luật Báo chí 2016.

Luật sư và Nhà báo – Người bạn đồng hành vì công lý

Mở đầu diễn đàn, Luật sư Đào Ngọc Lý cho rằng, thực tiễn đã minh chứng mối liên hệ mật thiết giữa nghề Luật sư và nghề Báo, đó là quan hệ đối tác, cùng phản biện, cùng hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý. Không quá lời khi cho rằng, Luật sư và Nhà báo là người bạn đồng hành vì công lý.

Xuất phát từ tầm quan trọng cùng mối liên hệ mật thiết giữa giới Luật sư và những người làm báo, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã dành Quy tắc 31 và Quy tắc 32 quy định về quan hệ của Luật sư với cơ quan truyền thông và quảng cáo. Các quy tắc này khẳng định, người Luật sư có quyền chủ động trong quan hệ với cơ quan báo chí và thực hiện quảng cáo; quyền chủ động cấp thông tin cho báo chí, quyền chủ động viết bài, sử dụng mạng xã hội…; quyền chủ động thực hiện các hoạt động, loại hình quảng cáo theo quy định,…

Luật sư Đào Ngọc Lý (bên phải) trao đổi tại diễn đàn.

Trong thực tiễn hành nghề Luật sư, sự phối kết hợp chỉ thành công và hiệu quả khi Luật sư có thiên hướng và tố chất của Nhà báo hoặc trường hợp Luật sư biết kết hợp cùng những Nhà báo chân chính đích thực, có khả năng nhanh chóng phát hiện và nắm bắt bản chất sự việc, có kỹ năng nghề Báo sắc sảo thuyết phục, có phẩm chất uy tín, luôn dũng cảm kiên định trong suốt hành trình bảo vệ công lý và lẽ phải.

Các Luật sư và Nhà báo cần phải lưu ý những vấn đề gì để giữ gìn mối quan hệ này?

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cho phép và không hạn chế quyền của Luật sư trong tiếp cận, sử dụng và phối hợp với cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, cũng đặt ra các yêu cầu đối với Luật sư khi quan hệ với cơ quan báo chí, như yêu cầu về tuân thủ quy định Luật Luật sư, Luật Báo chí và các luật khác có liên quan.

Sự trung thực, chính xác, khách quan là yêu cầu chung đối với hoạt động Luật sư và hoạt động báo chí. Người Luật sư không thông tin sai sự thật để phục vụ Luật sư hoặc quyền lợi không hợp pháp của khách hàng; người Luật sư không phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Người Luật sư không sử dụng báo chí gây mất đoàn kết nội bộ, hạ uy tín đồng nghiệp, uy tín, vị thế của nghề Luật sư… là những yêu cầu bắt buộc đối với người Luật sư khi cung cấp thông tin cho báo chí. Quy tắc 31 và Quy tắc 32 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã quy định rõ những yêu cầu, chuẩn mực người Luật sư phải tuân thủ trong quan hệ với cơ quan truyền thông, báo chí và thực hiện quảng cáo.

Đảm bảo quyền, lợi ích của khách hàng là yêu cầu cao nhất của nghề Luật sư. Do đó, trong quan hệ với báo chí, người Luật sư phải đặt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng là yêu cầu tất yếu. Mặt khác, người Luật sư nếu thấy việc cung cấp thông tin cho báo chí không mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình thì có quyền từ chối phối hợp, đây là sự chủ động của nghề Luật sư khác với việc buộc phải cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước cho báo chí.

Khi cung cấp thông tin cho báo chí người Luật sư phải bảo mật thông tin của khách hàng; người Luật sư không mượn vụ việc của khách hàng chỉ với mục đích đánh bóng thương hiệu bản thân Luật sư… cũng là những quy định được Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định.

Luật sư Diệp Năng Bình (giữa) trao đổi tại diễn đàn.

Như vậy, để giữ gìn mối quan hệ giữa Luật sư và báo chí thì các bên luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của nghề Luật sư và báo chí giúp cho mối quan hệ ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn.

Vai trò của Luật sư khi tham gia trên mạng xã hội

Trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người dân có quyền tham gia bình luận, nêu ý kiến về các vấn đề trên các nền tảng này. Chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh của các nền tảng mạng xã hội, và đôi khi còn lấn át cả những loại hình báo chí truyền thống. Người Luật sư không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ; mà còn là một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, nêu ý kiến về một vấn đề nào đó trên mạng xã hội nhằm góp phần định hướng dư luận.

Về vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Hiển nhận định, khi tương tác trên mạng xã hội, Luật sư cần đưa ra các nhận định, đánh giá về các vấn đề pháp lý, các vụ án vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm. Từ đó, đóng góp vào việc tuyên truyền giáo dục pháp luật và định hướng dư luận. Qua thực tiễn hành nghề, tham gia vào các vụ án, Luật sư là người nắm rõ được nhiều thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng phạm tội, đặc biệt là lừa đảo trên không gian mạng. Do đó, thông qua mạng xã hội, Luật sư sẽ có những cảnh báo, chia sẻ về các thủ đoạn lừa đảo để người dân biết và phòng tránh.

Tuy nhiên, Luật sư cần phải xây dựng và duy trì hình ảnh chuyên nghiệp trên mạng xã hội. Cụ thể, Luật sư cần cân nhắc các nội dung, thông tin, hình ảnh trước khi đăng tải, đảm bảo tính chính xác và phù hợp với quy định pháp luật và Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Tránh việc đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, các thông tin thuộc bí mật đời tư (ví dụ đưa thông tin về vụ việc ly hôn đang do Luật sư thụ lý giải quyết, trừ trường hợp khách hàng đồng ý), các thông tin xúc phạm, chỉ trích trên mạng xã hội. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của Luật sư mà còn có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Để nâng cao vai trò và hình ảnh của mình trên mạng xã hội, Luật sư cần tỉnh táo và chủ động trong việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tư vấn, tuyên truyền và định hướng dư luận. Đồng thời, Luật sư cũng cần luôn tuân thủ các quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để duy trì uy tín và lòng tin từ công chúng.

Sự tương tác giữa báo chí với các Luật sư hiện nay

Việc làm báo hiện nay không chỉ là việc nêu ra nội dung các vụ việc, mà bản thân các nhà báo phải đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề pháp lý trong vụ việc nhằm đem đến cho độc giả những cái nhìn toàn diện. Muốn làm được điều đó, các Nhà báo phải có mối liên hệ với các Luật sư, chuyên gia pháp lý.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Hiển phân tích, Luật sư là người hiểu biết và nắm rõ các quy định pháp luật, đặc biệt là các vụ án mà Luật sư trực tiếp tham gia. Do đó, trong quan hệ phối hợp, chia sẻ thông tin với báo chí thì bản thân Luật sư là người có thể cung cấp thông tin chính xác, phân tích vấn đề một cách sâu sắc và giải thích các khía cạnh pháp lý phức tạp. Điều này bảo đảm rằng thông tin được báo chí đăng tải là chính xác và tin cậy.

Luật sư Lê Hồng Hiển trao đổi tại diễn đàn.

Như đã nói, Luật sư là người có kiến thức và hiểu biết về pháp luật trong đó bao gồm các quy trình tố tụng, quy trình giải quyết một vụ án, vụ việc cụ thể. Vì vậy, trong quá trình tương tác, chia sẻ, Luật sư sẽ giúp Nhà báo hiểu rõ hơn về quy trình này, từ đó đưa ra các thông tin và phân tích thông tin được chi tiết hơn, chính xác hơn về các vấn đề pháp lý, tạo ra cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn cho độc giả.

Ngoài ra, sự liên hệ, chia sẻ thông tin giữa Luật sư và báo chí giúp các Nhà báo đa dạng hóa quan điểm, góc nhìn, từ đó cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh và khách quan hơn về các vấn đề pháp lý.

Đánh giá về vai trò của Luật sư là người cung cấp và báo chí là nơi truyền tải pháp luật đến người dân, bằng kinh nghiệm hoạt động của mình, Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ, với vai trò góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vị thế của Luật sư đang ngày càng được đề cao trong đời sống xã hội. Trong khi đó, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu và có sức ảnh hưởng lớn, khả năng tác động lớn đến xã hội.

Mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau thể hiện qua việc Luật sư đưa ra các quan điểm mang tính tuyên truyền pháp luật rõ ràng, báo chí có thể phản ánh đúng, thông tin nhanh những vấn đề liên quan tới pháp luật đến công chúng, qua đó thực hiện tốt chức năng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, khi có nhiều vụ việc được đông đảo dư luận quan tâm, hàng loạt các trang báo đã tìm đến các Luật sư để tìm hiểu, đưa thêm các quan điểm của Luật sư vào trong bài viết nhằm nhanh chóng đưa thông tin chính xác nhất đến với bạn đọc. Từ đó, giúp người dân có thể tiếp cận, nâng cao hiểu biết pháp luật và định hướng dư luận. Đặc biệt, những chia sẻ mang tính thuyết phục cao, nhận được sự đồng tình của các độc giả cũng là cách để tăng lượng truy cập và tương tác cho các trang báo.

Bên cạnh đó, Luật sư và Nhà báo là những nghề hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm của mình. Với vai trò là chiến sĩ trên mặt trận thông tin, báo chí giúp Luật sư truyền tải quan điểm của mình đến với các độc giả. Báo chí được xem là phương tiện, công cụ, chất xúc tác để Luật sư thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của mình trước khách hàng, người dân, nhà nước và xã hội.

Trên thực tiễn hành nghề, nhiều Luật sư rơi vào các tình huống khó xử nhưng báo chí góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với Luật sư. Không chỉ vậy, báo chí còn là một kênh để Luật sư quảng bá hình ảnh của mình. Thông qua báo chí, những ý kiến, quan điểm của Luật sư được đến gần với công chúng. Đây cũng là cách để người dân khi có vướng mắc về pháp lý có thể dễ dàng tìm đến các Luật sư.

Nhà báo Đoàn Văn Quang trao đổi tại diễn đàn.

Trước yêu cầu ngày càng cao của độc giả, mỗi sự việc được các Nhà báo nêu ra không chỉ là diễn biến sự việc mà còn phải đi sâu phân tích các vấn đề pháp lý. Theo Nhà báo Đoàn Văn Quang, muốn làm được điều đó, trước hết bản thân các nhà báo phải có kiến thức pháp luật; bên cạnh đó cần sự đồng hành của Luật sư nhằm hoàn thiện cũng như thẩm định để tác phẩm báo chí có giá trị cao đến bạn đọc.

Thời gian qua nhiều vụ việc, vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, oan sai… đã được báo chí phản ánh kịp thời, có sự đóng góp tích cực của Luật sư dưới góc độ là chuyên gia pháp lý. Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, trong hoạt động tố tụng từ trước đến nay, việc xác định sự thật khách quan của vụ án là vấn đề không hề đơn giản, nhất là những vụ án phức tạp…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án oan sai, theo Luật sư Bình, có thể do trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức của điều tra viên hạn chế, dẫn đến sự chủ quan trong quá trình điều tra; khởi tố, truy tố khi chưa đủ cơ sở buộc tội; chưa bảo đảm nguyên tắc “suy đoán vô tội”, hồ sơ vụ án mang nặng tính buộc tội. Các cơ quan tố tụng cũng chưa thật sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt trong việc phát hiện oan sai, các cơ quan chưa thực hiện tốt chức năng giám sát lẫn nhau trong quá trình điều tra, xét xử.

Luật sư đóng vai trò chính trong việc làm sáng tỏ hầu hết các vụ án oan, sai. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua báo chí – truyền thông cũng đã khẳng định và phát huy vai trò của mình góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong đó có việc thông tin và phát hiện những vụ án oan sai. Nhiều vụ án có dấu hiệu “sai” nhờ sự vào cuộc của báo chí với những phân tích, lập luận ở những góc độ khác nhau, tạo dư luận xã hội nhằm làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, xem xét lại vụ án và có những quyết định “đúng người, đúng tội”.

Công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã được nâng lên một tầm cao mới, nhiều dự thảo luật đã được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong thời gian dài, như: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Trong đó phải kể đến vai trò tích cực của các cơ quan báo chí trong việc thông tin tuyên truyền, Luật sư dưới góc độ là chuyên gia pháp lý đóng góp ý kiến.

Đánh giá về vai trò của báo chí và Luật sư trong công tác xây dựng pháp luật, Luật sư Lê Hồng Hiển phân tích, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật. Bằng cách đăng tải các dự thảo, dự án luật để người dẫn dễ tiếp cận và nắm bắt các quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành, qua đó, báo chí giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình liên quan đến các văn bản pháp luật sắp ban hành.

Đồng thời, báo chí không chỉ đăng tải nội dung các dự thảo luật mà còn đăng tải, phản ánh các ý kiến góp ý, phản ánh, phản biện của người dân tới các cơ chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật; giúp cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản pháp luật tiếp nhận các ý kiến góp ý xây dựng được nhanh hơn, đa chiều hơn. Từ đó, nâng cao chất lượng và tuổi thọ của các văn bản pháp luật ban hành.

Về phía các Luật sư – những người có kiến thức sâu về lĩnh vực pháp luật và thực tiễn tham gia giải quyết các các vụ án, vụ việc. Vì vậy, Luật sư có thể đưa ra các ý kiến góp ý vào việc xây dựng văn bản pháp luật có chất lượng và sát thực. Cũng bởi luật sư là người đã thực tế tham gia giải quyết các vụ án, vụ việc, tư vấn pháp lý cho khách hàng nên có thể phát hiện ra những bất cập, chồng chéo của các quy định pháp luật. Từ đó, có ý kiến đóng góp để cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp. 

Tóm lại, cả báo chí và Luật sư đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật. Báo chí giúp tuyên truyền, giáo dục và phản ánh ý kiến công chúng, trong khi Luật sư đóng góp ý kiến chuyên môn và tư vấn pháp lý. Sự hợp tác giữa Luật sư và báo chí cùng với các cơ quan và cá nhân khác là cần thiết để xây dựng và thực thi pháp luật một cách hiệu quả và công bằng.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời tại diễn đàn.

Với những ý kiến, quan điểm của các diễn giả đã trình bày tại Tọa đàm đã góp phần làm rõ mối liên hệ mật thiết giữa Luật sư và báo chí. Ngày nay, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, dư luận xã hội có tác động lớn đến ý thức pháp luật, đặc biệt là tác động đến hành vi ứng xử của mỗi cá nhân thì công bằng pháp luật là vấn đề cốt lõi, thu hút sự chú ý, phản biện của nhiều người. Việc báo chí đồng hành cùng Luật sư để phản ánh trung thực, khách quan những vấn đề xã hội là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những hoạt động phối hợp bảo vệ pháp luật của Luật sư và báo chí; không phải tự nhiên mà nghề Báo và nghề Luật sư có những điểm tương đồng, làm cơ sở cho mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong thực hiện chức năng xã hội và nghề nghiệp của mình. Đồng thời, còn giúp cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có được sự phản biện đúng đắn, thông tin nhiều chiều, khách quan và trung thực.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là thời gian qua đã có những Luật sư, Nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật… Các ý kiến cho rằng, mỗi Luật sư, Nhà báo cần tuân thủ pháp luật; tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để hạn chế, ngăn chặn triệt để vấn đề này.

NHÓM PV

Nguồn: https://lsvn.vn/tong-thuat-toa-dam-su-tuong-tac-giua-luat-su-va-bao-chi-hien-nay-1687313886.html

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898