Bát nháo “chợ” kem trộn trên mạng xã hội (Bài 3): Phạt như “gãi ngứa”, nhiều cơ sở sẵn sàng tái phạm

Để sản xuất và đưa một sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường cần phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, theo Luật sư, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hiện nay là chưa đủ sức răn đe khi mà lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh kem trộn, mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng là rất lớn.

Quy định chặt chẽ từ khâu sản xuất đến kinh doanh

Trao đổi với Thương Trường, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Do tính chất đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng nên mỹ phẩm được quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất. 

Theo đó tại Nghị định Số 93/2016/NĐ-CP có quy định chi tiết như sau: Điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm trước tiên và quan trọng nhất là phải được thành lập một cách hợp pháp. Điều kiện thứ hai là có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện như sau:

Về nhân sự, người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

Về cơ sở vật chất: Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

Đồng thời phải có hệ thống, nhân lực quản lý chất lượng từ nguyên liệu, nước, quy trình sản xuất, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm.

Nhộn nhịp chợ kem trộn trên mạng xã hội Bài 3 Mức phạt chưa đủ sức răn đe
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hiện nay là chưa đủ sức răn đe khi mà lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh kem trộn, mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng là rất lớn.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, để đưa sản phẩm mỹ phẩm đến tay người tiêu dùng, cũng cần tuân thủ các quy định về công bố sản phẩm và phân phối ra thị trường theo thông tư số 06/2011/TT-BYT do Bộ Y Tế ban hành ngày 25/1/2011. Bởi mỹ phẩm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam, chỉ có thể kinh doanh khi sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số công bố.

Theo đó, công bố mỹ phẩm là việc chủ sở hữu mỹ phẩm hoặc đơn vị nhập khẩu mỹ phẩm tiến hành thủ tục cần thiết để đăng ký lưu hành cho mỹ phẩm tại Việt Nam thông qua việc công bố mỹ phẩm tại cơ quan đăng ký (Cục quản lý dược – Bộ Y tế). Việc công bố sản phẩm mỹ phẩm là để xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân – các chủ thể chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường. Chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. 

Để tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm, sản phẩm công bố và đơn vị công bố phải đáp ứng các điều kiện sau: Đơn vị công bố phải có ngành nghề kinh doanh mua bán (bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm), xuất nhập khẩu mỹ phẩm; Đối với các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, đơn vị công bố phải nộp kèm theo giấy phép sản xuất mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; Sản phẩm mỹ phẩm công bố phải nằm trong danh mục sản phẩm mỹ phẩm được phép công bố theo quy định của pháp luật, thành phần tạo thành sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn và không gây hại cho người sử dụng; Khi tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm, sản phẩm phải được kiểm nghiệm tại trung tâm kiểm nghiệm để kiểm tra thành phần mỹ phẩm; Sản phẩm nhập khẩu để có thể công bố phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do cho sản phẩm tại quốc gia sản xuất và giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho đơn vị phân phối tại Việt Nam thay mặt họ công bố.

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết: “Như đã phân tích ở trên, mỹ phẩm là sản phẩm được kiểm duyệt chặt chẽ bởi cơ quan có thẩm quyền, vì đây là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Việc sản xuất kinh doanh kem trộn với các thành phần không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện sản xuất vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, công bố, lưu hành theo các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định Số: 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020; Nghị định số  124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021; Nghị định Số: 93/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016; Thông tư Số: 06/2011/TT-BYT do Bộ Y Tế ban hành ngày 25/1/2011. Nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015”.

Cụ thể, Điều 70 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (CGMP-ASEAN); Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm; Sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất mỹ phẩm; Sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng; Sản xuất không đúng địa điểm ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Sản xuất không đúng phạm vi ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Sản xuất mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra còn có các hình phạt bổ xung như đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm…

Còn tại Điều 71 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về mua bán mỹ phẩm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm dưới 20 triệu đồng hoặc phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm từ 20 triệu đồng trở lên tính theo giá bán đối với tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (được hiểu là nhà bán lẻ) khi thực hiện một trong các hành vi sau đây: Kinh doanh mỹ phẩm không còn nguyên vẹn bao bì của nhà sản xuất; Kinh doanh mỹ phẩm quá hạn dùng hoặc quá thời hạn theo khuyến cáo của nhà sản xuất; Kinh doanh mỹ phẩm đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi do vi phạm quy định của pháp luật.

Quang Tuấn

Nguồn:https://thuongtruong.com.vn/news/bat-nhao-cho-kem-tron-tren-mang-xa-hoi-bai-3-phat-nhu-gai-ngua-nhieu-co-so-san-sangtai-pham-85527.html

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898