Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo: Vay tiền qua mạng, người phụ nữ bay từ TPHCM ra Hà Nội chờ giải ngân nhưng nhận cái kết đắng

– Đối tượng lên mạng đăng thông tin cho vay, trả góp không cần tài sản thế chấp với lãi suất hấp dẫn chỉ tương đương lãi suất ngân hàng, giải ngân nhanh gọn.

Ngày 3/4, chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Hoa (ở TP Hồ Chí Minh) cho biết, hai ngày vừa qua chị đã mất công bay ra Hà Nội chờ đợi để được giải ngân số tiền 300 triệu đồng.

Bay từ TPHCM ra Hà Nội để vay tiền

Chị Hoa kể, trước đó vài ngày trên FB xuất hiện quảng cáo hỗ trợ cho vay, trả góp, chị Hoa liên hệ qua tin nhắn thì lập tức các đối tượng xin số điện thoại kết bạn qua Zalo, trong cuộc trao đổi, đối tượng nói chị cần phải cung cấp thông tin cá nhân, mục đích vay (đại loại hỏi đúng nghiệp vụ ngân hàng). Sau đó đối tượng xác nhận chị Hoa có thể được vay lên đến 300 triệu/ lãi suất 0,9%. Trả trong vòng 36 tháng. Nếu chị Hoa đồng ý thì nhân viên sẽ bắt đầu xúc tiến hồ sơ.

Vay tiền qua mạng, người phụ nữ từ miền Nam bay ra Hà Nội chờ giải ngân nhưng nhận cái kết đắng - Ảnh 1.

“Khách hàng” đặt vé bay ra Hà Nội theo địa chỉ đối tượng cung cấp nhưng đến nơi thì “tài khoản đã khóa”

“Nghe những lời tư vấn của nhân viên ngân hàng với giọng điệu câu từ rất nghiệp vụ, lãi chỉ từ 0,9-1,3%, nhân viên nói rằng qua kiểm tra hồ sơ tôi đã cung cấp thì rất đầy đủ, nếu đồng ý thì xác nhận “OK”, sau đó đối tượng xác nhận tôi sẽ được giải ngân trong 48 tiếng đồng hồ. Tôi không nghi ngờ nên xác nhận vay khoản tiền trên”.

Theo chị Hoa, sau cuộc trao đổi một lúc, nhân viên ngân hàng điện thoại thúc giục tôi chuẩn bị hồ sơ khi nào phía ngân hàng gọi thì đến trụ sở làm thủ tục giải ngân.

Lúc này, chị Hoa trả lời do đang ở Sài Gòn nên phải mua vé máy bay: “Chúng biết tôi đang ở tận Sài Gòn nên nói rằng em đang ở ngân hàng chờ chị đây rồi, liền sau đó bảo tôi chuyển 10 triệu đồng làm thế chấp, khi ra đến nơi giải ngân thì sẽ trả lại”, chị Hoa cho biết, sau khi thực hiện các yêu cầu của nhân viên này, thậm chí có lúc các đối tượng còn tạo ra tình huống gây “khó dễ” rồi hẹn ngày giờ đến trụ sở ngân hàng để giải ngân, khách hàng đặt vé máy bay ra Hà Nội tìm đến địa chỉ mà đối tượng cung cấp thì không liên lạc được.

Chị Hoa cho biết thêm, chị kiên trì ở lại Hà Nội thêm một ngày với hy vọng “nhân viên ngân hàng” sẽ xuất hiện, tuy nhiên quá trình tìm hiểu qua một số người bạn thì được biết nhiều người cũng từng bị cú lừa tương tự.

Vay tiền qua mạng, người phụ nữ từ miền Nam bay ra Hà Nội chờ giải ngân nhưng nhận cái kết đắng - Ảnh 2.

Quảng cáo cho vay nhưng không có địa chỉ cụ thể, tên đơn vị cho vay (ảnh chụp màn hình một thành viên quảng cáo cho vay)

Làm thế nào để nhận diện kẻ lừa đảo?

Về thủ đoạn trên, trao đổi với chúng tôi chuyên gia Công nghệ thông tin Đặng Trường Lâm (Công ty CP Công nghệ & Giải pháp Tâm Việt) cho rằng, chỉ cần nhận diện qua hình thức quảng cáo trên đã đủ thấy đây là trò lừa đảo, người nào không tỉnh táo rất dễ sa bẫy.

“Rất ít ngân hàng đăng quảng cáo cho vay qua một cá nhân, thông tin quảng cáo nhưng không rõ địa chỉ cụ thể, tên đơn vị, không có tên ngân hàng cụ thể cho thấy đây không phải là “chính chủ”.

Chuyên gia công nghệ cũng chỉ rõ, qua kiểm tra số điện thoại trong Zalo của đối tượng có hình ảnh “ava” mang thương hiệu của một số ngân hàng, đây chắc chắn là hình ảnh được lồng ghép để thu hút và tạo niềm tin đối với khách hàng, đồng thời cảnh báo người dân không nên đăng nhập vào các trang website lạ, cũng không nên giao dịch với các số điện thoại lạ khi không biết rõ đối tượng là ai….

Địa chỉ các đối tượng hẹn giao dịch khi đến nơi là tòa nhà và đối tượng tắt điện thoại

Địa chỉ các đối tượng hẹn giao dịch khi đến nơi là tòa nhà và đối tượng tắt điện thoại

Cảnh giác đối với những loại hình cho vay tiền trên mạng

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại.

Sau khi tiếp cận được nạn nhân, các đối tượng sẽ mồi chài đưa ra những thông tin ưu đãi ví dụ như trả góp với lãi suất hấp dẫn chỉ tương đương lãi suất ngân hàng, giải ngân nhanh gọn. không cần phải chứng minh thu nhập v v … Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để tiếp tục hành vi lừa đảo của mình.

Trong trường hợp này chị Hoa đã bị các đối tượng yêu cầu chuyển 10 triệu đồng làm thế chấp, khi ra đến nơi giải ngân thì sẽ trả lại. Nhưng khi ra đến nơi tìm đến địa chỉ mà đối tượng cung cấp thì không liên lạc được. Hành vi mà các đối tượng này thực hiện đã có đủ yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Qua câu chuyện này, người vay tiền cần đề cao cảnh giác đối với những loại hình cho vay tiền trên mạng, không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho cá nhân hay tổ chức liên quan đến loại hình cho vay tiền trên mạng nếu như chưa biết rõ thông tin, nguồn gốc và địa chỉ cụ thể của bên cho vay.

Bên cạnh đó, nếu như có nhu cầu về vay tiền người dân nên ra những ngân hàng chính thống, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua Internet banking, Mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn. Do đó, các trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo Cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Lời chào hấp dẫn thu hút nhiều người quan tâm

Lời chào hấp dẫn thu hút nhiều người quan tâm

MINH NGỌC

Nguồn: https://toquoc.vn/canh-bao-thu-doan-lua-dao-vay-tien-qua-mang-nguoi-phu-nu-bay-tu-tphcm-ra-ha-noi-cho-giai-ngan-nhung-nhan-cai-ket-dang-20230403090811152.htm

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898