Đánh cược sức khỏe, tính mạng chạy theo cái đẹp

Ham muốn chạy theo cái đẹp không cần quan tâm đến chất lượng, cơ sở pháp lý, khiến nhiều người nhẹ thì mất tiền, nặng thì ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của mình.

Nữ bệnh nhân gặp sự cố y khoa sau hút mỡ

Ngày 15/6, Thanh tra Sở Y tế TP HCM thông tin tiếp theo liên quan đến sự cố y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ.

Đánh cược sức khỏe, tính mạng chạy theo cái đẹp ảnh 1

Sở Y tế TP HCM thông tin về trường hợp sự cố y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ – Ảnh chụp màn hình

Theo đó, ngày 9/6, Sở Y tế đã thông tin trên trang thông tin điện tử Thanh tra Sở – Sở Y tế về trường hợp sự cố y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ. Qua quá trình xác minh, Thanh tra Sở ghi nhận bệnh nhân T.T.L.P đã thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM, cụ thể:

Thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Chi nhánh Công ty CP TM DV Siam Thái Lan – địa chỉ 55-57 Trường Sơn, Phường 15, Quận 10. Phòng khám đã được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và phê duyệt Danh mục kỹ thuật đối với kỹ thuật phẫu thuật cắt mí mắt.

Thực hiện hút mỡ bụng và lưng tại Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ Đông Á – địa chỉ 218 Nguyễn Trãi, Phường 3, Quận 5. Bệnh viện được Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và phê duyệt Danh mục kỹ thuật đối với kỹ thuật hút mỡ bụng toàn phần và hút mỡ vùng lưng.

Đánh cược sức khỏe, tính mạng chạy theo cái đẹp ảnh 2

Ảnh minh hoạ

Nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, Sở Y tế đã thành lập tổ chuyên gia đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật tại bệnh viện thẩm mỹ Đông Á, kết quả đạt theo Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật của Bộ Y tế.

Được biết, theo thông tin của Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện ngày 14/6.

Sở Y tế đang tiến hành thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, đánh giá, xác định nguyên nhân xảy ra vụ việc sự cố y khoa nêu trên. Thanh tra Sở tiếp tục làm việc với các tổ chức và cá nhân có liên quan sau khi có kết luận từ Hội đồng chuyên môn cấp sở và xử lý nghiêm theo quy định nếu có vi phạm.

Đồng thời Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra, tập huấn các quy trình kỹ thuật trong hoạt động chuyên môn nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Cân nhắc kỹ trước khi làm đẹp

Theo các chuyên gia y tế, can thiệp xâm lấn hút mỡ bụng được xem là ca phẫu thuật và không có ca phẫu thuật nào là nhỏ, cho dù can thiệp xâm lấn ít. Một khi sử dụng thuốc để can thiệp qua lớp da, đồng nghĩa có nguy cơ rủi ro. Ngay cả thuốc tê bôi ngoài da cũng có thể gây sốc thuốc.

Vì vậy, xét nghiệm, đánh giá và kiểm tra sức khỏe trước khi phẫu thuật giảm béo là điều cần thiết. Gây tê thì sử dụng một số xét nghiệm cho gây tê, gây mê thì xét nghiệm cho gây mê. Bên cạnh đó, bác sĩ phải khám, đánh giá xem có đái tháo đường, bệnh tim mạch đi kèm hay không để thực hiện thêm một số xét nghiệm riêng biệt.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thoát vị thành bụng là một biến chứng có thể gặp phải sau tạo hình thẩm mỹ thành bụng nếu phẫu thuật không được tiến hành một cách bài bản và cẩn trọng. Đây là một biến chứng đe dọa tính mạng cần chú ý.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà đã dẫn chứng một trường hợp do hút mỡ quá nhiều nên thành bụng có biểu hiện lồi lõm không đều. Nhưng nguy hiểm hơn là từ sau khi phẫu thuật, bệnh nhân này luôn cảm thấy khó chịu trong bụng, nhất là khi ăn no và trầm trọng hơn là thi thoảng xuất hiện những cơn đau quặn bụng.

Sau khi chụp chiếu, các bác sĩ đã phải nhanh chóng tiến hành một ca mổ nội soi can thiệp. Hình ảnh nội soi cho thấy rõ tổ chức mạc nối và bờm mỡ đang chui vào một lỗ thoát vị trên thành bụng. Phải rất vất vả, các bác sĩ mới gỡ được tổ chức mạc nối và bờm mỡ này ra khỏi lỗ thoát vị để tránh cho bệnh nhân biến chứng hoại tử tổ chức nguy hiểm.

“Nhập nhằng” biển hiệu của các cơ sở làm đẹp

Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật – cho biết, theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp thành 3 nhóm khác nhau. Cụ thể: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1); Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da (nhóm 2); Những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (nhóm 3).

Theo luật sư Bình, thực tế vẫn chưa có quy định chi tiết về tên biển hiệu của các loại hình có cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp. “Thẩm mỹ viện” hay “Viện thẩm mỹ” thường được các cơ sở làm đẹp chọn đặt tên và cũng là một trong những nguyên nhân làm người dân dễ bị nhầm lẫn, khó phân biệt được các loại hình cơ sở làm đẹp theo quy định.

Đồng thời, các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1) và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da (nhóm 2) đã lợi dụng việc sử dụng biển hiệu không rõ ràng, “nhập nhằng” nhằm cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.

Vì vậy, các Phòng y tế quận, huyện trực thuộc UBND quận, huyện và thành phố cần tiếp tục tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai quyết liệt các giải pháp giúp quản lý chặt hơn nữa, kịp thời phát hiện và ngăn chặn người hành nghề và các cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các quảng cáo quá phạm vi cho phép (quảng cáo trên biển hiệu, quảng cáo trên báo, đài, trên mạng xã hội,…).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cần phải quy định chặt hơn nữa về biển hiệu của các cơ sở làm đẹp, cùng với đó là tăng nặng các mức xử phạt đủ sức răn đe các hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

“Như vậy, với tình trạng nhập nhằng biển hiệu của các cơ sở làm đẹp hiện nay thì người dân cần tìm hiểu kỹ và chọn lựa đúng các cơ sở cung cấp dịch vụ khi có nhu cầu làm đẹp, khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép người dân có thể báo ngay với cơ quan chức năng có thẩm quyền” – Luật sư Bình nhấn mạnh.

Trước những sự cố liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra trong thời gian qua, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường nếu xảy ra sự cố sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Lý giải vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, những sự cố khi phẫu thuật thẩm mỹ sẽ xét ở 2 khía cạnh là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.

Về trách nhiệm dân sự, căn cứ vào Điều 584 Bộ luật dân sự 2015: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; 2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; 3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Về trách nhiệm hình sự thì phía cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm về công tác phòng chống, chữa bệnh thì có thể xử lý về mặt hình sự tuỳ mức độ của sự việc.

Ngọc Tuấn

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/danh-cuoc-suc-khoe-tinh-mang-chay-theo-cai-dep-post210361.html

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898