Theo luật sư Diệp Năng Bình, sau khi tuyên truyền người dân hiểu thì phải thực hiện nghiêm túc việc xử phạt hành vi không phân loại rác thải.
Từ ngày 25/8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Nội dung này thuộc Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Đây là một trong những quy định mới nhất, nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.
Từ ngày 25/8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân rác thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng
Sau khi biết thông tin này, nhiều người băn khoăn muốn được phổ biến, hướng dẫn cách phân loại cũng như dùng các loại túi nào để chứa rác phân loại.
“Chúng tôi rất mong muốn có được sự hướng dẫn cụ thể để không vi phạm”, chị Loan (trú tại Cầu Giấy, TP Hà Nội) thắc mắc.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tình Thông Luật cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) quy định cụ thể chất thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Lộ trình thực hiện việc phân loại chậm nhất là đến ngày 31/12/2024.
“Để triển khai được quy định này, Bộ Tài nguyên và môi trường phải xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương thống nhất áp dụng; cũng như phải sớm có văn bản hướng dẫn đến từng địa phương, từng người dân”, luật sư Bình nhìn nhận.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho rằng, việc xử phạt hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, tại nước ta thì việc này vẫn là rất mới so với thói quen của người dân. Chính vì vậy, cần phải được tuyên truyền sâu rộng trước sau đó mới tiến hành xử phạt.
“Còn khi đã tuyên truyền sâu rộng rồi mà cá nhân, gia đình nào vẫn vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm, tránh để các quy định xử phạt “trên giấy” như các quy định xử phát về tiểu bậy, hút thuốc lá nơi công cộng…”, luật sư Diệp Năng Bình nói.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Diệp Năng Bình, Giám đốc một công ty môi trường ở Hà Nội cho biết, quy định hộ gia đình không phân loại rác thải sẽ bị xử phạt là cần thiết để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo vị này, thì cần phải tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ và xem rác thải như nguồn tài nguyên, sau đó mới tiến hành phạt tiền.
“Phân loại giúp cho công nhân thu gom dễ dàng hơn, mang lại giá trị kinh tế vì nhiều loại rác có khả năng tái chế cao, làm phân bón, điện rác… Thực tế hiện nay, một số khu đô thị trên địa bàn chúng tôi chịu trách nhiệm thu gom đã phân loại, tuy nhiên khâu xử lý cuối cùng thì vẫn chôn lấp lẫn lộn, rác vô cơ, hữu cơ, tái chế đều như nhau”, vị này cho biết thêm.
Phùng Tuệ An