LUẬT SƯ DIỆP NĂNG BÌNH: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN CHÚ TRỌNG ĐẾN VIỆC THU HỒI ĐẤT VÀ TÁI ĐỊNH CƯ CHO NGƯỜI DÂN

Theo dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội. Đóng góp ý kiến về dự án Luật, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quan tâm nhất đến việc thu hồi đất và tái định cư cho người dân.

HUY ĐỘNG TRÍ TUỆ, TÂM HUYẾT NHÂN DÂN, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Phóng viên: Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/3/2023. Luật sư có đánh giá như nào về sự cần thiết của việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này?

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật: Luật Đất đai là một trong những luật đặc biệt quan trọng gắn liền với đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo tôi, việc tổ chức lấy kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vô cùng cần thiết. Bởi đây là dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đến toàn bộ người dân.

Việc lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cho thấy Nhà nước muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

Như vậy, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thể hiện sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học về quyền dân chủ đối với tài sản là đất đai của Nhân dân. Có như vậy, người dân mới nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mình đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phóng viên: Theo dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Theo Luật sư, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này cần phải thực hiện như thế nào để tránh tính hình thức và đảm bảo hiệu quả?

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật: Tôi cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân nên thực hiện theo từng đợt (gồm nhiều đợt khác nhau), nhiều tầng lớp để việc tổng hợp, đánh giá, ghi nhận một cách chính xác và có hiệu quả cụ thể hơn so với việc lấy ý kiến chung từ người dân. Đây cũng là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng nên việc lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, đảm bảo tính trung thực và khách quan nhất.

Theo tôi, về cơ bản, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm như các quy định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai, trong đó có các quy định như: chính sách sử dụng đất; chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; việc thu hồi đất để thực hiện các dự án.

Ngoài ra, cần lấy ý kiến của Nhân dân về các vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về giá đất, khung giá đất… Nội dung lấy ý kiến cần có tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án luật và các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Việc lấy ý kiến Nhân dân chỉ phát huy ý nghĩa thật sự và có tác dụng khi ý kiến đóng góp của Nhân dân được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội. Do đó, trong quá trình triển khai, các cơ quan có trách nhiệm cần đặc biệt chú trọng quan tâm tới công đoạn này, tránh bỏ sót các ý kiến góp ý của người dân. Như vậy, để tránh việc lấy ý kiến Nhân dân mang tính hình thức, đảm bảo hiệu quả, thể hiện được đúng ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, Ban Soạn thảo nên nghiên cứu điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lấy ý kiến theo các tiêu chí sát với thực tiễn và bằng những biện pháp phù hợp.

Để đánh giá tác động các chính sách này một cách đầy đủ thì cần lắng nghe, tổng hợp ý kiến của nhân dân một cách đầy đủ nhất thì việc hoàn thiện dự thảo luật mới đạt hiệu quả. Theo đó, cần nghiên cứu quy định hình thức, quy mô tổ chức lấy ý kiến, đối tượng, mức độ, đặc biệt là các hình thức lấy ý kiến đối với từng loại văn bản cần phải sát sao đối với mỗi cá nhân có tầm hiểu biết còn hạn chế. Thúc đẩy và đôn đốc người dân, kèm theo đó là những văn bản cụ thể để người dân có thể tiếp cận một cách chân thực và chính xác nhất.

Phóng viên: Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội và tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Với những nội dung trong dự thảo luật, Luật sư đặc biệt quan tâm tới vấn đề nào? Đâu là những nội dung cần chú trọng để hoàn thiện dự thảo Luật?

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật: Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tôi cho rằng vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc “Thu hồi đất và tái định cư cho người dân”. Khoản 2 Điều 86 Luật Đất đai quy định: “Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng”.

Thực tế, việc thu hồi đất và tái định cư trong thời gian qua còn có những bất cập, hạn chế. Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án, từ đó gây nên giá trị bồi thường giữa những người cùng điều kiện khác nhau, phát sinh nhiều vấn đề. Việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất còn xảy ra khá phổ biến. Trách nhiệm của địa phương chưa hoàn thiện dẫn đến việc hỗ trợ tái định cư còn gặp nhiều bất cập. Việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân có đất bị thu hồi chưa đầy đủ và đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu tái định cư của các dự án thường bị động, cơ sở hạ tầng khu tái định cư không được đầu tư theo quy định, chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu và điều kiện của người được tái định cư. Các dự án thường ít chú ý đến việc bảo đảm nguồn thu nhập tại nơi ở mới cho người được bố trí tái định cư. Việc xây dựng các khu tái định cư ở một số nơi chưa thực sự phù hợp với thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân…

Việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.

Như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng hơn đến việc bồi thường đất và tái định cư cho người dân về hoàn cảnh và cuộc sống của từng cá nhân cũng như hộ gia đình. Từ đó, lấy ý kiến của Nhân dân để làm tiền đề cho mối quan hệ giữa Nhân dân và Nhà nước. Nội dung quy định trong dự thảo khá hợp lý, sát thực tiễn, dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.

Nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=72948

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898