Người phụ nữ lăng mạ, “đụng chạm” CSGT có thể đối diện hình phạt nào?

– Theo luật sư, trường hợp người phụ nữ lăng mạ, chửi bới lực lượng Cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa cần thiết phải bị khởi tố để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí về vụ việc người phụ nữ lăng mạ, chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, sau khi xem clip, ông thấy những ngôn từ của người này rất phản cảm, tục tĩu.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, hành vi chửi bới, dùng ngôn từ tục tĩu, bôi nhọ, hay vò nát biên bản của người phụ nữ đã có đầy đủ dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác”, hay tội “Chống người thi hành công vụ”, được quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người phụ nữ lăng mạ, đụng chạm CSGT có thể đối diện hình phạt nào? - 1
Người phụ nữ bị còng tay có hành động cản trở buông lời lăng mạ, chửi bới CSGT làm nhiệm vụ (Ảnh: Cắt từ clip mạng xã hội).

Khoản 1, Điều 3 cũng quy định, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội.

Người thi hành công vụ là những người thực hiện nhiệm vụ công, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nên cần được mọi người tôn trọng để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của công dân được thực hiện tốt nhất.

Hành vi cản trở, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, tấn công lại lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ… là những hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của các tổ chức cá nhân nên người thực hiện hành vi này có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, hành vi không chấp hành, cản trở, chống đối, xúc phạm lực lượng CSGT-TT thực hiện tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông là hành vi chống người thi hành công vụ. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, luật sư Bình cho rằng, trường hợp người phụ nữ lăng mạ, chửi bới lực lượng CSGT-TT ở Thanh Hóa, cần thiết phải khởi tố để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Thanh Tùng

Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/nguoi-phu-nu-lang-ma-dung-cham-csgt-co-the-doi-dien-hinh-phat-nao-20230217210219692.htm?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898