Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên hất CSGT lên nắp capo, xử lý thế nào?

Theo luật sư, căn cứ theo các quy định của pháp luật, có thể hiểu tài xế Lâm đã chống người thi hành công vụ vì đã không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của cảnh sát giao thông

Chiều 25/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Lâm (SN 1975, trú tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc – là Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh) về vi phạm nồng độ cồn, hất chiến sĩ CSGT lên nắp ca pô ô tô để bỏ chạy.

Trao đổi với PV Infonet về vụ việc nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, người thi hành công vụ gồm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Những người này được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông.

Cũng theo Điều 3 Nghị định này, hành vi chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, có thể hiểu chống người thi hành công vụ giao thông là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của cảnh sát giao thông.

Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm mục đích dưới đây có thể bị xử lý về Tội chống người thi hành công vụ. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau như gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên, tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.

Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV Infonet về vụ việc.

Ngoài ra, luật sư Bình cũng phân tích: “Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thôn bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tại Điều 21 Nghị định 144/2021 quy định: Môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt từ 01 – 4 triệu đồng.

Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt từ 4 – 6 triệu đồng.

Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ bị phạt từ 6 – 8 triệu đồng”.

Căn cứ những quy định nêu trên, luật sư Bình nhận định: “Qua đoạn clip thể hiện tài xế Lâm đã không chấp hành hiệu lệnh và chiếc xe ô tô đã kéo người CSGT đoạn đường dài có thể đã cấu thành nên hành vi chống người thi hành công vụ.

Bởi ô tô theo quy định được xem là nguồn nguy hiểm cao độ và người tài xế đã bỏ mặc cho hậu quả xảy ra tức việc người CSGT có bị tổn hại sức khỏe hay tính mạng đã bị tài xế không quan tâm. Trong mọi tình huống mọi người cần chấp hành hiệu lệnh và tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Khi CSGT yêu cầu dừng thì phải có nghĩa vụ dừng và yêu cầu CSGT thông báo lỗi vi phạm. Chúng ta có quyền khiếu nại các quyết định xử phạt nếu cho rằng không đúng. Tuyệt đối không có những hành vi chống đối, xâm phạm tính mạng sức khỏe của CSGT nói riêng hay người thi hành công vụ nói chung”.

Trước đó, vào khoảng 13h chiều 24/12, Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội CSGT- Trật tự (Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) làm nhiệm vụ trên đường Tô Hiến Thành (phường Đồng Tâm) phát hiện ô tô mang BKS 19N-3347 (đi hướng Lập Thạch – Vĩnh Phúc) có dấu hiệu vi phạm.

Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông đã ra tín hiệu dừng xe, kiểm tra nồng cồn. Thay vì chấp hành theo hiệu lệnh của lực lương CSGT, tài xế bất ngờ quay đầu bỏ chạy và đâm vào một chiến sĩ CSGT.

Để tránh ô tô, chiến sĩ cảnh sát đã nhảy lên nắp ca pô nhằm tránh nguy hiểm cho ban thân, nhưng tài xế vẫn điều khiển xe bỏ chạy. Thấy vậy, các chiến sĩ CSGT trong tổ công tác đã truy đuổi đến khu vực đầu đường Tô Hiến Thành- Hùng Vương, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc mơi chặn được ô tô dừng lại.

Qua xác minh nhanh,  lực lượng CSGT xác định tài xế điều khiển ô tô là Nguyễn Văn Lâm (SN 1975, trú tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Tài xế Lâm là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Sau đó, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với tài xế Lâm. Kết quả, tài xế Lâm vi phạm ở mức 0,056 mg/L khí thở. Chiếc xe này vi phạm hết hạn kiểm định.

Hải Ngọc

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/an-nao-danh-cho-pho-gd-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-hat-cs-len-nap-capo-5011432.

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898