Quy định về hoạt động thông tin tín dụng

Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật xin được tư vấn về “Quy định về hoạt động thông tin tín dụng” trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

–     Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010;

–     Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017;

–    Thông tư số 15/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 quy định về hoạt động thông tin tính dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

  1. Khái niệm

Thông tin tín dụng là tập hợp các dữ liệu liên quan khoản cấp tín dụng của khách hàng vay tại tổ chức tín dụng, khoản nợ của khách hàng vay do tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng quản lý.

Hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là hoạt động thông tin tín dụng) là hoạt động thu thập, trao đổi, xử lý, lưu giữ, bảo mật thông tin tín dụng, tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng và cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

CIC: Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.

  1. Mục đích và nguyên tắc của hoạt động thông tin tín dụng
    • Mục đích

Hoạt động thông tin tín dụng nhằm tạo lập Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm mục đích:

–  Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

–  Hỗ trợ tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện trong hoạt động kinh doanh.

–  Hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

–  Hỗ trợ tổ chức khác tiếp cận thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật.

2.2. Nguyên tắc

Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đảm bảo tính khách quan và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đảm bảo chính xác, trung thực, đầy đủ, kịp thời đối với thông tin tín dụng cung cấp cho CIC

  1. An toàn, bảo mật thông tin

CIC, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện, tổ chức khác được cung cấp thông tin tín dụng phải:

–  Có biện pháp bảo vệ thông tin tín dụng để chống lại mất mát, truy cập, sử dụng hoặc tiết lộ trái phép.

–  Có giải pháp khôi phục dữ liệu trong trường hợp dữ liệu bị lỗi, bị mất, bị hỏng và phương án khôi phục hoạt động sau khi dữ liệu bị lỗi, bị mất, bị hỏng.

–  Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật.

  1. Thu thập thông tin

CIC được thu thập:

–  Thông tin tín dụng do tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện cung cấp.

–  Thông tin từ các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định liên quan khác của pháp luật.

–  Thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nguồn thông tin hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

  1. Thông tin tín dụng cung cấp cho CIC

Tổ chức tín dụng cung cấp cho CIC toàn bộ Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ, bao gồm các nhóm chỉ tiêu sau:

–  Thông tin định danh về khách hàng vay;

–  Thông tin về người có liên quan của khách hàng vay (đang được cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho khách hàng vay);

–  Thông tin về cho vay và các hoạt động cấp tín dụng khác (không bao gồm thẻ tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp);

–  Thông tin về thẻ tín dụng;

–  Thông tin mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm tổ chức tín dụng);

–  Thông tin về biện pháp bảo đảm cấp tín dụng;

–  Thông tin về hoạt động xử lý nợ xấu nội bảng;

–  Thông tin ngoại bảng;

–  Báo cáo tài chính năm (theo báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan Thuế hoặc báo cáo tài chính đã được kiểm toán) của khách hàng vay là doanh nghiệp.

ổ chức tự nguyện cung cấp cho CIC toàn bộ hoặc một phần Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng quy định tại khoản 1 Điều này trên cơ sở hợp đồng trao đổi thông tin với CIC.

Việc cung cấp thông tin tín dụng được thực hiện dưới dạng các tệp dữ liệu điện tử theo Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng. Trường hợp một số nhóm hoặc toàn bộ các nhóm chỉ tiêu thông tin tín dụng không thể cung cấp được dưới dạng các tệp dữ liệu điện tử, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện có thể cung cấp bằng văn bản trên cơ sở thống nhất với CIC

  1. Thời hạn cung cấp thông tin tín dụng

Thời hạn cung cấp các nhóm chỉ tiêu trên như sau:

–  Tổ chức tín dụng cung cấp theo tần suất quy định cụ thể tại Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng ban hành kèm theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

–  Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp định kỳ 2 lần một tháng.

–  Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô cung cấp định kỳ 1 lần một tháng.

  1. 6. Xử lý, lưu giữ thông tin tín dụng

CIC sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật về nghiệp vụ tiếp nhận, chuẩn hóa, làm sạch, ghép nối và cập nhật để xử lý thông tin tín dụng của Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.

Thông tin tín dụng được lưu giữ tại CIC trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ ngày phát sinh.

Việc xử lý, lưu giữ thông tin tín dụng phải bảo đảm tính toàn vẹn, đầy đủ, không bị sai lệch thông tin và khai thác, chiết xuất được theo nhu cầu của CIC.

  1. 7. Đối tượng, phạm vi được cung cấp thông tin tín dụng

Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Cơ quan quản lý nhà nước khác được cung cấp thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện được cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng trên cơ sở hợp đồng ký kết với C1C.

Khách hàng vay được cung cấp thông tin tín dụng của chính khách hàng vay theo hướng dẫn của CIC.

Tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài được cung cấp, khai thác và trao đổi các sản phẩm thông tin tín dụng về khách hàng vay trên cơ sở biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng ký kết với CIC phù hợp với quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia mà tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài được thành lập và hoạt động.

Ngoài đối tượng quy định tại các khoản trên, tổ chức khi khai thác dịch vụ thông tin tín dụng về khách hàng vay phải có sự đồng ý của khách hàng vay đó theo quy định của pháp luật có liên quan và đảm bảo tuân thủ theo hợp đồng thỏa thuận với CIC. Sự đồng ý của khách hàng vay phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

  1. 8. Hạn chế cung cấp thông tin tín dụng

Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được cung cấp trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp phục vụ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tổ chức tự nguyện chỉ được cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng tương ứng với phạm vi cung cấp thông tin cho CIC theo hợp đồng trao đổi thông tin.

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thông tin tín dụng và các quy định khác của pháp luật sẽ bị tạm dừng quyền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng theo hợp đồng thỏa thuận với CIC.

  1. Điều chỉnh dữ liệu sai sót

Trường hợp CIC phát hiện hoặc nghi ngờ dữ liệu có sai sót, CIC phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện để xem xét điều chỉnh lại dữ liệu theo trình tự sau:

–  Dữ liệu không đúng tiêu chuẩn như sai mẫu tệp, thiếu chỉ tiêu thông tin bắt buộc, trùng lặp thông tin hoặc các lỗi kỹ thuật khác, CIC gửi trả lại toàn bộ dữ liệu hoặc phần dữ liệu sai sót. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện phải chỉnh sửa và gửi lại dữ liệu báo cáo;

–  Dữ liệu nghi ngờ có sai sót được CIC gửi trả lại toàn bộ dữ liệu hoặc phần dữ liệu có nghi ngờ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện phải kiểm tra, xác minh lại dữ liệu và thông báo kết quả cho CIC, nếu có sai sót, thực hiện điều chỉnh dữ liệu.

Trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện phát hiện dữ liệu tại CIC có sai sót, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện thông báo qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản đề nghị CIC điều chỉnh. Nếu CIC xác minh sai sót do CIC, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày xác minh sai sót, CIC thực hiện điều chỉnh dữ liệu theo yêu cầu.

Trường hợp phát hiện dữ liệu có sai sót, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện phải gửi lại dữ liệu thông tin tín dụng và có xác nhận (bằng văn bản hoặc phương thức xác nhận điện tử chữ ký số) của Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc người được ủy quyền nêu rõ lý do sai sót và đề nghị CIC điều chỉnh dữ liệu sai sót đó.

Trường hợp khách hàng vay phát hiện thông tin tín dụng về chính khách hàng vay có sai sót, khách hàng vay đề nghị với CIC, tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện (sau đây gọi là tổ chức tiếp nhận) điều chỉnh lại thông tin. Việc đề nghị điều chỉnh thực hiện qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do đề nghị và phải cung cấp các tài liệu, căn cứ chứng minh dữ liệu có sai sót.

–  Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, tổ chức tiếp nhận thông báo cho khách hàng vay về tính hợp lệ của đề nghị đó. Trường hợp cần bổ sung thông tin để giải quyết, tổ chức tiếp nhận thông báo để khách hàng vay cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu liên quan;

–  Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị hợp lệ, tổ chức tiếp nhận thực hiện giải quyết theo quy định. Trường hợp cần kiểm tra, xác minh nội dung đề nghị tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức tiếp nhận được kéo dài thời gian giải quyết đề nghị theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay biết về nguyên nhân kéo dài thời gian;

–  Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày điều chỉnh dữ liệu xong, tổ chức tiếp nhận thông báo cho khách hàng vay về kết quả điều chỉnh đó.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về chủ đề “Quy định về hoạt động thông tin tín dụng”. Hy vọng rằng những chia sẻ trên là hữu ích đối với bạn. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào tới nội dung này hay có bất kỳ vấn đề pháp lý nào khó khăn cần được tư vấn bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0938.48.88.98 hoặc gửi thư về địa chỉ: [email protected] để được hỗ trợ tư vấn giải quyết kịp thời.

Chúc Quý Khách hàng cùng với gia đình một ngày mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.

[bvlq_danh_muc]