Dù đã dừng nhập hàng của những nhà cung cấp rau “dởm” đội lốt hàng VietGAP, tuy nhiên sự việc này đã khiến những doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị lớn bị ảnh hưởng nặng nề khi giá trị vốn hóa doanh nghiệp “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng.
Những ngày gần đây, thông tin Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (TP Thủ Đức, TP.HCM) nhập nấm từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGAP rồi phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh nhận được sự chú ý của dư luận.
Trước đó, 3 hệ thống bán lẻ khác gồm WinCommerce, TikiNGON, 3Sạch cũng bị nêu tên do bán rau có nguồn gốc từ chợ đầu mối nhưng được nhà cung cấp là Công ty CP ĐT & SX Nông Sản Trình Nhi và Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm “phù phép” thành rau VietGAP. Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp, lượng rau của các nhà cung cấp này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số hàng hóa là rau xanh được phân phối tại siêu thị.
“Chấp nhận chi số tiền lớn để mua rau xanh từ hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch mỗi tháng nhưng tôi cũng hoang mang không biết rằng rau xanh gia đình sử dụng thời gian qua có đúng phải hàng VietGAP hay không?”, chị Thanh Hương (Thanh Xuân – Hà Nội).
Cầm trên tay mớ rau xanh mua trong siêu thị để chuẩn bị bữa tối cho gia đình, chị Hoàng Quy (Hà Đông – Hà Nội) tỏ ra khá băn khoăn trước việc một số nhà cung cấp đưa rau có nguồn gốc từ chợ đầu mối rồi “phù phép” trở thành rau VietGAP để đưa vào phân phối ở hệ thống siêu thị và cửa hàng rau sạch phía Nam được báo chí đăng tải thời gian gần đây.
Nhu cầu mua rau xanh trong hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch của người dân ngày càng lớn
Theo bà mẹ 2 con này, việc nhà cung cấp lừa dối hệ thống siêu thị, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhiều người bởi những người hay mua rau trong siêu thị, hệ thống thực phẩm sạch như chị sẽ không biết lựa chọn thực phẩm nói chung và rau xanh nói riêng ở đâu để có thể mua được rau sạch, rau an toàn cho bữa ăn gia đình.
Tương tự chị Thanh Hương (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng tỏ ra lo lắng trước những thông tin rau chợ đầu mối, nấm Trung Quốc được một số nhà cung cấp phía Nam “lột xác” trở thành hàng VietGAP để đưa vào phân phối trong hệ thống các siêu thị thời gian gần đây.
Chị Hương cho biết mỗi tháng gia đình mình chi khoảng hơn một triệu đồng cho tiền rau xanh mua từ các hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch xung quanh nhà: “Chấp nhận chi số tiền lớn hơn cho rau xanh từ hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch mỗi tháng nhưng tôi cũng hoang mang không biết rằng rau xanh gia đình sử dụng thời gian qua có đúng phải hàng VietGAP hay rau sạch như thông tin nhà cung cấp quảng cáo hay không? Hy vọng các đơn vị kinh doanh và cơ quan chức năng kiểm soát chặt vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng những mặt hàng thiết yếu này”.
Băn khoăn, lo lắng là tâm lý chung của rất nhiều bà nội trợ thời điểm hiện nay. Những người tiêu dùng này đều có chung hy vọng sau khi đã phải bỏ chi phí cao hơn mỗi tháng để mua thực phẩm nói chung và rau xanh được phân phối trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thì cần được sử dụng sản phẩm có chất lượng như cam kết và xứng đáng với số tiền mình đã bỏ ra.
Nhiều gia đình cho biết mỗi tháng chi cả tiền triệu chỉ riêng mặt hàng rau xanh mua trong siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch
Nhà cung cấp sai phạm, chủ doanh nghiệp gánh thiệt hại nghìn tỷ
Sau những thông tin về việc rau xanh có nguồn gốc từ chợ đầu mối, nấm Trung Quốc được thay đổi nguồn gốc trở thành hàng VietGAP được nêu tên, chủ hệ thống các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch đã ngay lập tức có quyết định dừng nhập hàng của những nhà cung cấp này và tổ chức rà soát nguồn gốc các sản phẩm từ các nhà cung cấp khác.
Theo đó, đại diện Tập đoàn Masan (đơn vị chủ quản chuỗi WinCommerce) cho biết đã lập tức ngừng nhập và loại toàn bộ hàng hoá của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ.
Đại diện của ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh TikiNGON khẳng định xin nhận trách nhiệm và cho biết sẽ tiến hành rà soát gắt gao lại một lần nữa chất lượng tất cả nhà phân phối hiện tại.
Chuỗi cửa hàng thực phẩm 3Sạch thông báo dừng nhận hàng của hai nhà cung cấp có hành vi gian dối về nguồn gốc xuất xứ của rau xanh
Trong thông báo phát đi của mình, chuỗi cửa hàng thực phẩm 3Sạch cho biết đã và đang liên hệ với tất cả khách hàng có hóa đơn mua rau của 2 nhà cung cấp là Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm và Công ty CP ĐT & SX Nông Sản Trình Nhi để đền bù về tinh thần và vật chất.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng lên tiếng gửi lời xin lỗi tới các khách hàng. Bách Hóa Xanh cho biết đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Đông A. Đồng thời, công ty cũng yêu cầu phía Đông A phải giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng.
Thực tế, việc mạnh tay loại bỏ hàng hóa của những nhà cung cấp có sai phạm về nguồn gốc sản phẩm ra khỏi quầy kệ là việc làm cần thiết. Nhưng những ngày qua chủ các hệ thống siêu thị lớn phải “hứng chịu” thiệt hại nặng nề khi có những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Giá trị vốn hóa của MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động giảm hơn 3.366 tỷ đồng cùng đà giảm của cổ phiếu sau thông tin Bách Hóa Xanh bán nấm Trung Quốc đội lốt hàng VietGAP.
Theo đó, cùng với những biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch từ 19 đến 23/9, thị giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động – chủ của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh ghi nhận mức giảm 2.300 đồng/cổ phiếu trong 3 phiên giao dịch gần nhất.
MWG đã lên tiếng xin lỗi khách hàng sau sự cố nấm Trung Quốc đội lốt hàng VietGAP vào siêu thị Bách Hóa Xanh
Mức giảm này khiến giá trị vốn hóa của MWG “bốc hơi” tới hơn 3.366 tỷ đồng. Trong đó, khối tài sản của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG ghi nhận mức giảm hơn 431 tỷ đồng sau sự cố Bách Hóa Xanh bán nấm Trung Quốc đội lốt hàng VietGAP từ nhà cung cấp Đông A.
Đề nghị rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định
Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp trao đổi về công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản.
Tại cuộc họp này, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống bán lẻ, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính.
“Những doanh nghiệp đã đạt chuỗi thực phẩm an toàn thì phải đảm bảo được chất lượng thực phẩm của mình đúng như những gì đã cam kết đã là một khó khăn. Giờ đây, họ còn phải cạnh tranh với những “ông” chẳng phải VietGAP gì cả nhưng vẫn tìm cách len lỏi vào chuỗi cung ứng…” – bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị cơ quan quản lí nhà nước tăng cường kiểm soát, có chế tài xử lí xử phạt nghiêm minh, để không ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tổ chức cuộc họp về công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản vào tối 22/9 – Ảnh MARD
Ông Nguyễn Anh Đức, đại diện Saigon Co.op cũng bày tỏ rất buồn vì sự việc ảnh hưởng tới thương hiệu của rau củ quả Việt Nam nói chung cũng như Saigon Co.op nói riêng. Đơn vị này cũng xuất khẩu nông sản ra nhiều nước, và sau thông tin này đối tác phía Nhật, Singapore đã gọi điện để trao đổi về tình hình cụ thể.
Tương tự, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM bày tỏ: “Lâu nay, Ban Quản lý ATTP thành phố tập trung vào quản lý các doanh nghiệp đã đạt được chuẩn VietGAP, những doanh nghiệp đã đạt chuỗi thực phẩm an toàn thì phải đảm bảo được chất lượng thực phẩm của mình đúng như những gì đã cam kết đã là một khó khăn.
Giờ đây, những doanh nghiệp lành mạnh còn phải cạnh tranh với những “ông” chẳng phải VietGAP gì cả nhưng vẫn tìm cách len lỏi vào chuỗi cung ứng. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tập trung giám sát kỹ hơn và xử lý mạnh tay, nghiêm hơn với họ. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần cố gắng giữ vững được chất lượng của mình để đảm bảo được những gì mình đã cam kết để giữ được niềm tin của công chúng”.
“Lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm tra, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay…” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM – Ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cũng cho hay đây không phải là trách nhiệm của riêng ai. Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì?
“Đúng là lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm tra, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay… Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là nông sản được chứng nhận, với một bên là không được chứng nhận, thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình” – Bộ trưởng Hoan nói.
Cần minh bạch trong quản lý
Các chuyên gia trong ngành đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng, tồn tại rất nhiều vấn đề, tác động xấu tới tâm lý, gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, chuỗi cửa hàng này. Việc nấm Trung Quốc được bóc nhãn và gắn tem VietGAP thể hiện sự gian dối trong việc công bố nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, có dấu hiệu của hành vi lừa dối khách hàng.
Chia sẻ với phóng viên ở góc độ luật pháp, Luật sư Diệp Năng Bình -Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng hiện nay, lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thích thực phẩm sạch nên không ít nhà hàng, cơ sở bán thực phẩm hay những nhà sản xuất thường gắn mác “sạch” để lừa dối người tiêu dùng. Trường hợp tự xưng rau sạch, rau an toàn để bán được mức giá cao hơn xảy ra không ít.
Luật sư Diệp Năng Bình -Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
Theo ông Bình, việc đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc này là trái với lương tâm, đạo đức kinh doanh cũng như pháp luật.
Người kinh doanh đã thay bao bì, đóng gói sản phẩm không đúng với xuất xứ ban đầu thuộc trường hợp “giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” quy định tại khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020.
Trường hợp “Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa” thì người vi phạm có thể bị xử phạt 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với giá trị hàng hóa dưới 1 triệu đồng. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 50 triệu đồng. Nếu hàng hóa là thực phẩm thì mức phạt gấp hai lần mức nêu trên”.
Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi thậm chí người vi phạm có thể bị xử lý về tội Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 BLHS.
Việc dán tem VietGAP lên các mặt hàng được lấy từ Trung Quốc hay các chợ đầu mối, không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi đem bán tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Để xem xét trách nhiệm pháp lý trong việc dán tem, cần xác định công đoạn này do ai thực hiện và mục đích của họ là gì, từ đó làm rõ trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Nếu xác định việc họ làm giả thông tin, nhãn mác sản phẩm là để che giấu xuất xứ sản phẩm thì đây sẽ được coi là một công đoạn trong chuỗi hành vi, là một thủ đoạn nhằm lừa dối khách hàng. Khi đó, cá nhân liên quan sẽ chịu trách nhiệm theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 mà không bị xử lý thêm tội danh khác. Còn nếu việc làm giả thông tin nhằm làm giả quy trình của VietGAP, họ có thể bị xem xét xử lý thêm về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Hồng Hương – Trung Kiên