Mỗi mùa bóng lăn, đặc biệt sau các trận đấu trong giải World Cup lại có rất nhiều người tán gia bại sản, thậm chí phải tự tử do ham mê cá độ bóng đá dẫn tới nợ nần. Không chỉ vậy, còn nhiều người bị dính vào vòng lao lý từ cá độ bóng đá vì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Cá độ bóng đá gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội. Chỉ vì mê “đỏ đen” mà có người nợ nần chồng chất, khuynh gia bại sản, hạnh phúc gia đình tan vỡ; cũng có không ít trường hợp vì thua cá độ nên “túng quá làm liều”, đi vay nặng lãi của “tín dụng đen”, trộm cắp, cướp giật, giết người, gây mất tình hình an và bức xúc trong dư luận.
Tệ nạn cờ bạc nói chung hay hành vi cá độ bóng đá nói riêng được xác định là một loại tệ nạn xã hội bao gồm các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc nhằm lợi dụng các hình thức vui chơi giải trí để cá cược, sát phạt nhau bằng tiền hoặc vật chất.
Hiện nay tệ nạn cá độ bóng đá đang có những diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về số vụ việc cũng như tính chất nghiêm trọng, hình thức đánh bạc theo tính chất ngày càng tinh vi, thậm chí còn liên quan đến người nước ngoài và phạm vi hoạt động của tệ nạn vượt qua phạm vi lãnh thổ.
Những ngày gần đây, trên MXH xôn xao thông tin về việc lỡ chẳng may cá độ thua, người chơi có thể báo công an để giúp nhà chức trách triệt phá đường dây cá độ, qua đó ‘thoát tội’. Vậy thực hư chuyện này ra sao?
Thua cá độ báo công an: Người chơi có phải chịu trách nhiệm?
Theo luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật, tội đánh bạc được quy định tại Điều 321, Tội tổ chức đánh bạc được quy định tại điều 322, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tinh thần tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP như sau:
– Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
– Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm:
+ Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
+ Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
+ Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với mức hình phạt như sau (Khung 1):
– Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc;
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…
Mức phạt hành chính hành vi đánh bạc trái phép được quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
+ Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
+ Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Như vậy có thể thấy trong đánh bạc hoặc cá độ bóng đá thì người cá độ bóng đá hoặc người tổ chức cá độ đều bị xử lý trách nhiệm nếu hành vi của mình có đầy đủ dấu hiệu hình sự hoặc hành chính. Chứ không chỉ xử lý một trong hai bên. Vậy nên người thua độ khi báo công an cũng không thể thoát tội.
Người chơi không thoát tội, nhưng được giảm nhẹ
Bên cạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa của các đơn vị nghiệp vụ thì lực lượng chức năng cũng cần khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.
Người dân cần nâng cao ý thức, tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá, cảnh giác với các chiêu trò, lôi kéo, dụ dỗ tham gia hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng, chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trang web đánh bạc trên mạng xã hội.
Các gia đình cần quan tâm quản lý, giáo dục, vận động người thân và những người xung quanh nâng cao cảnh giác, tránh xa cá độ bóng đá…
Trường hợp phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ bóng đá, người dân cần kịp thời báo tin tố giác với cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp điều tra xử lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên toàn địa bàn.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định về các tình tiết giảm nhẹ, cụ thể:
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.