Vạch trần ‘chiêu’ mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền sinh viên: Cần xử lý thế nào?

Liên quan đến loạt bài “Vạch trần ‘chiêu’ mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền sinh viên” mà Báo Thanh Niên đăng tải từ ngày 24.5 – 26.5, luật sư cho rằng cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định cần xác định dấu hiệu lừa đảo của “công ty” Phương Đông SC khi đã mạo danh thương hiệu nổi tiếng lừa tiền sinh viên. Tuỳ vào tính chất mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Vạch trần 'chiêu' mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền sinh viên: Cần xử lý thế nào? - Ảnh 1.“Công ty” Phương Đông SC bị sinh viên tố đã mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền
XUÂN PHƯƠNG

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay các trang mạng xã hội đăng các tin tức tuyển dụng lừa đảo đã và đang diễn ra rất nhiều như: công việc bán thời gian mà lương từ 3 triệu đồng- 50 triệu đồng/tháng, mỗi ngày kiếm được trên 500.000 đồng, hay tuyển dụng nhân viên cho các siêu thị, nhà sách lớn, tuyển dụng theo hình thức đa cấp… “Chủ yếu là các bạn trẻ, các bạn sinh viên năm nhất mới từ quê lên do chưa có kinh nghiệm, bị dính bẫy rất nhiều”, luật sư Bình nói.

Vạch trần 'chiêu' mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền sinh viên: Cần xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình

XUÂN PHƯƠNG

Thưa luật sư Diệp Năng Bình, theo dõi loạt bài “Vạch trần ‘chiêu’ mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền sinh viên” mà Báo Thanh Niên đăng tải, ông có cho rằng “công ty” Phương Đông SC có dấu hiệu lừa đảo không?

Hành vi lừa đảo được hiểu là việc dùng thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa người khác để mưu lợi, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối rất đa dạng, được sử dụng để giấu giếm nội dung sai sự thật làm cho người khác tin, tưởng là thật mà giao tiền, các tài sản khác cho đối tượng lừa đảo.

Theo đó, lừa đảo được thực hiện trước hoặc liền ngay với hành động chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức: nói dối; dùng giấy tờ giả mạo; giả danh cơ quan Nhà nước… Hiện nay, lừa đảo qua điện thoại và lừa đảo trên không gian mạng được xem là các hình thức lừa đảo phổ biến.

Tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cũng ghi nhận về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), trong đó quy định rõ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Việc xác định dấu hiệu lừa đảo của “công ty” Phương Đông SC đã mạo danh các thương hiệu The Coffee House, Ministop sẽ do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định. Nếu kết luận cho thấy có dấu hiệu lừa đảo thì chủ thể vi phạm có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Vạch trần 'chiêu' mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền sinh viên: Cần xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng đã “tuýt còi” sai phạm của “công ty” Phương Đông SC vào sáng ngày 24.5 sau khi Báo Thanh Niên đăng tải phản ánh

XUÂN PHƯƠNG

Trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì “công ty” Phương Đông SC sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Đối với hành vi đăng bài tuyển dụng không đúng sự thật của “công ty” Phương Đông SC, sau khi điều tra, xác minh làm rõ, tuỳ vào tính chất mức độ vi phạm chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Trong trường hợp xử lý hành chính, thì căn cứ Điều 15 Nghị định số 144 /2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy; cứu nạn; cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì cá nhân vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân, tổ chức khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Nếu sai phạm ở mức độ nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự, thì căn cứ Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi 2017 trường hợp hành vi của công ty kia thoả mãn các yếu tố cấu thành về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vạch trần 'chiêu' mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền sinh viên: Cần xử lý thế nào? - Ảnh 4.

Một sinh viên là nạn nhân của “chiêu” mạo danh tuyển dụng, lừa tiền từ “công ty” Phương Đông SC

XUÂN PHƯƠNG

Luật sư khuyên gì với những nạn nhân là sinh viên đã bị “công ty” SC Phương Đông mạo danh để tuyển dụng sau đó lừa tiền?

Căn cứ Điều 144 BLTTHS 2015 thì tố giác tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 145 BLTTHS 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về nơi nộp đơn tố giác tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn bao gồm: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát các cấp.

Như vậy, theo quy định này thì các nạn nhân là sinh viên đã bị “công ty” Phương Đông SC mạo danh để tuyển dụng, lừa tiền có thể nộp đơn tố giác của mình tại các cơ quan tổ chức trên.

Xin cảm ơn luật sư.

Xuân Phương

Nguồn: https://thanhnien.vn/vach-tran-chieu-mao-danh-de-tuyen-dung-lua-tien-sinh-vien-can-xu-ly-the-nao-18523052617435324.htm

[bvlq_danh_muc]
Hotline: 0938 488 898
Kết nối Whatsapp SMS: 0938 488 898 Nhắn tin Facebook Zalo: 0938 488 898