Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, khi phát hiện vi phạm TTATGT nghiêm trọng, nguy cơ gây mất ATGT tức thời, CSGT có quyền dừng xe trên cao tốc.
Dùng xe container chắn ngang đường để phản ứng CSGT
Trưa 5/11, tổ tuần tra của Đội 5 (Cục CSGT) làm nhiệm vụ trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã phát hiện xe container biển số 88C-031.04 do ông Nguyễn Hoàng Ngọc Tuấn (SN 1978, ở Tuy Phong, Bình Thuận) cầm lái có hành vi “Chuyển làn đường không có tín hiệu báo” trước khi chạy trên đường cao tốc.
Tài xế Nguyễn Hoàng Ngọc Tuấn đã điều khiển xe container chắn ngang đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để phản ứng với CSGT
Sau khi dừng xe, CSGT thông báo vi phạm cho lái xe và lập biên bản vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, nam tài xế không ký tên vào biên bản với lý do: “Camera ghi hình không có tem kiểm định và tổ CSGT không được sử dụng ô tô tuần tra kiểm soát cơ động để ghi hình người vi phạm mà chỉ được kiểm soát phương tiện tại một điểm”.
Sau đó, nam tài xế điều khiển xe container ra giữa đường và chặn ngang cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tại Km 4 (khu vực Trạm thu phí Túy Loan), gây ùn tắc giao thông trong khoảng 30 phút.
Khi nào CSGT được dừng xe trên cao tốc?
Sau khi sự việc này diễn ra, có ý kiến thắc mắc, CSGT có được dừng phương tiện trên cao tốc và có được sử dụng ô tô tuần tra kiểm soát cơ động để ghi hình người vi phạm hay không?
Luận bàn về nội dung này, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông đường bộ, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2020, nhằm thay thế cho Thông tư 01/2016.
Trong Thông tư 65/2020 có quy định các vị trí trên đường cao tốc mà CSGT được dừng xe để kiểm soát và xử lý vi phạm.
Cụ thể, theo điểm c, khoản 2, điều 16, Thông tư 65, CSGT được dừng kiểm soát, xử lý vi phạm phương tiện giao thông tại các vị trí như khu vực trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc.
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết, đối với các trường hợp dưới đây, CSGT được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát và xử lý vi phạm: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất ATGT tức thời; Phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; Phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc.
Thông tư này cũng quy định, khi dừng phương tiện giao thông trên cao tốc, CSGT phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.
Từ những phân tích trên và dựa vào những thông tin Cục CSGT cung cấp, luật sư Bình nhìn nhận, tài xế trong vụ việc này có hành vi chuyển làn đường không có tín hiệu báo nên việc dừng phương tiện trên cao tốc của lực lượng CSGT trong trường hợp này là đúng quy định pháp luật.
“Chuyển làn không có tín hiệu bảo trên cao tốc có thể gây nguy hiểm đối với các phương tiện giao thông khác, chính vì thế lực lượng CSGT dừng chiếc xe container trong vụ việc này là hoàn toàn chính xác”, luật sư Bình nói.
CSGT có được tuần tra lưu động để ghi hình vi phạm giao thông?
Trong sự việc này, lực lượng CSGT đã cho tài xế lái xe container xem hình ảnh vi phạm, sau đó tài xế “cãi cùn” cho rằng “camera ghi hình không có tem kiểm định”.
Về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bổ sung 2020, thì CSGT có thẩm quyền sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính.
Về ý kiến tài xế cho rằng “CSGT không được sử dụng ô tô tuần tra kiểm soát cơ động để ghi hình người vi phạm mà chỉ được kiểm soát phương tiện tại một điểm”, luật sư Bình cho biết, Thông tư 65/2020 quy định CSGT được kiểm soát giao thông tại 1 điểm hoặc tuần tra lưu động để trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Do đó, việc CSGT tuần tra lưu động, ghi lại vi phạm giao thông để xử lý là đúng quy định.
Gây cản trở giao thông nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 2-7 năm.
Còn với hành vi đỗ xe chắn ngang đường cao tốc, luật sư Bình cho biết, tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Về xử lý hành chính, theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô dừng đỗ xe trên đường cao tốc sai quy định bị phạt từ 10-12 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng… thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Phùng Đô